Phật giáo Việt Nam đồng hành với sự phát triển của đất nước
Từ trong lịch sử, Phật giáo đã giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Năm 1981, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I được tổ chức thành công, đánh dấu sự ra đời của Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam trên cơ sở thống nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo.
Từ đó đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội, hơn 41 năm xây dựng, phát triển, GHPG Việt Nam đã có những đóng góp lớn, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Tính đến cuối nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, GHPG Việt Nam quản lý gần 58.000 tăng ni; hơn 18.500 tự viện, với hơn 50 triệu tín đồ phật tử và những người yêu mến đạo Phật ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở đường hướng, nhiệm vụ hoạt động của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết Hội nghị thường niên của Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam, ban trị sự GHPG Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, hướng mọi hoạt động phật sự theo đúng phương châm “Đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội”. Các thành viên của Giáo hội, tăng ni, phật tử cả nước luôn tích cực tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, phúc lợi xã hội, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội; ủng hộ việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tham gia vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị đạo đức con người, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, xã hội. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động phật pháp giáo dục cho các tăng ni, phật tử hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc; có nếp sống lành mạnh, văn minh, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Mặt khác, tăng ni, phật tử trong toàn Giáo hội còn tích cực tham gia các đoàn thể xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Giáo hội có 4 vị tăng đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XV với tỷ lệ phiếu bầu cao; nhiều tăng ni đắc cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Các tăng ni của Giáo hội tham gia vào các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội đã thể hiện được vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội ở các địa bàn dân cư; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng thể hiện tâm tư, nguyện vọng của các tăng ni, phật tử về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo, trong đó có Phật giáo, bảo đảm cho mục tiêu của Phật giáo luôn thống nhất với lợi ích quốc gia, dân tộc; không ngừng xây dựng và tạo sự hài hòa, đoàn kết giữa chính quyền các cấp và Giáo hội các cấp, góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh, tiến bộ, giàu mạnh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: GIỚI MINH |
Thực hiện lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, GHPG Việt Nam luôn coi công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác phật sự trọng tâm của Giáo hội và của tăng ni, phật tử. Nhiều năm qua, công tác từ thiện đã tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động tích cực, hiệu quả. Giáo hội hiện có gần 170 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, mỗi năm khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người. Các hoạt động khác như: Cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; chăm sóc người có công với đất nước; trao quà từ thiện, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó; ủng hộ các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nhân dân sinh sống trên biên giới, hải đảo, ngư dân bám ngư trường, tham gia gìn giữ chủ quyền biển, đảo… được tổ chức ở nhiều chùa với sự tham gia, ủng hộ của hàng trăm nghìn lượt tăng ni, phật tử.
Trong 5 năm qua, tăng ni, phật tử thuộc GHPG Việt Nam đã đóng góp, tham gia vào công tác từ thiện, an sinh xã hội trong nước với lượng vật chất trị giá hơn 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện chương trình cứu trợ nhân đạo quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal với trị giá hơn 20 tỷ đồng bằng các hiện vật như: Lương thực, thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị, vật tư y tế…
Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Giáo hội luôn chung tay góp sức cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Các tăng ni, phật tử đã tích cực đóng góp nguồn lực cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19, quỹ vaccine do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; mua sắm trang thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, máy thở, bình oxy, phòng áp lực âm, xe cứu thương… gửi tới các cơ sở y tế và các địa phương; trao hàng nghìn túi an sinh, túi thuốc F0; hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm; hàng triệu suất ăn… tới tận tay người dân trong vùng tâm dịch. Nhiều tăng ni, phật tử GHPG Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch, làm nhiệm vụ phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa đã được sử dụng làm nơi cách ly tập trung để chung tay chiến thắng đại dịch, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình an.
Các tăng ni tham gia nghiên cứu Phật học. Ảnh: GIỚI MINH |
Có thể nói, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song thời gian qua, tăng ni, phật tử trong Giáo hội đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc và đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, nổi bật là: Tăng sự trang nghiêm, tăng ni đoàn kết; các kỳ an cư kết hạ được tổ chức ở tất cả các ban trị sự; các cấp Giáo hội đã tổ chức thành công 70 đại giới đàn truyền thụ giới pháp cho hơn 20 nghìn giới tử tiếp nối hậu lai, báo Phật ân đức, hàng trăm nghìn đồng bào và phật tử được quy y tam bảo; các chùa và cơ sở tự viện được tu sửa, mở mang xây dựng; nhiều buổi thuyết pháp, tưởng niệm tri ân anh hùng liệt sĩ, khóa tu mùa hè, khóa giảng và tu online được tổ chức, đáp ứng tốt nhu cầu của đồng bào, phật tử và các thanh thiếu niên; công tác thông tin truyền thông và công tác nghiên cứu Phật học cũng đạt nhiều thành tích. Các cấp Giáo hội đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, chung tay tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước…
Trong thời gian tới, toàn thể tăng ni, phật tử của GHPG Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu với tinh thần “Kỷ cương-trách nhiệm-đoàn kết-phát triển”. Toàn Giáo hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, phương hướng sau: Nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động phật sự của tăng ni, phật tử; nêu cao tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh hòa cùng sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; vững vàng, kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng “Đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội”. Tăng ni, phật tử của Giáo hội tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và nhân dân cả nước phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Giáo hội các cấp thực hiện quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của tăng ni theo đúng Hiến chương GHPG Việt Nam và pháp luật Nhà nước. Phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lĩnh vực: Đào tạo tăng ni và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Tiếp tục giữ vững và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
Giáo hội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ Phật giáo quốc tế bảo đảm đúng đường lối đối ngoại của Đảng, gắn đối ngoại Phật giáo với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân; mở rộng và thúc đẩy công tác nghiên cứu Phật học, củng cố và làm giàu thêm kho tàng lý luận về Phật giáo nói chung và Phật giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam nói riêng, góp phần vào sự nghiệp kiến tạo, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()