Phật giáo Lạng Sơn với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”
– Qua hơn 2000 năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đồng hành, gắn bó với truyền thống dân tộc và trở thành một tôn giáo của Việt Nam. Với tinh thần “lợi đạo, ích đời”, Phật giáo Việt Nam đã xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an bình của đất nước. Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, trải qua các thời kỳ, Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời. Và thực tế, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phật giáo đã hòa mình cùng văn hóa truyền thống của dân tộc, tô bồi cho nền văn hóa, đạo đức nhân văn của dân tộc, xây dựng tình người nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Do đó, Phật giáo Việt Nam luôn trong lòng dân tộc, gần gũi mật thiết với sự phát triển của dân tộc.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn trao kinh phí ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh
Vận mệnh dân tộc có lúc thịnh, lúc suy, Phật giáo Việt Nam cũng có lúc thăng lúc trầm. Nhưng trong hoàn cảnh nào, Phật giáo Việt Nam cũng tích cực đóng góp công sức, cùng với Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Quốc sư Khuông Việt phò giúp vua Đinh; Thiền sư Vạn Hạnh có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống và cũng là người khuyên Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để đặt nền móng lâu dài cho muôn đời sau. Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược. Khi đất nước thái bình, Ngài nhường ngôi, đến non cao Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nên hạt nhân tinh thần cho sự thống nhất tư tưởng, cố kết lòng dân. Cuộc đời phạm hạnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông mãi mãi là một bản anh hùng ca bất diệt, là tấm gương cho hậu thế noi theo.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều tăng ni, Phật tử đã xả thân để bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ kháng chiến như Hòa thượng Thích Quảng Đức – Ngài đã tự thiêu để chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm. Để bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhiều Tăng Ni, Phật tử sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” làm tăng thêm sức mạnh cho cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “Hộ quốc – An dân”, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, cố kết cộng đồng theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo với dân tộc Việt Nam như hình với bóng, tuy hai mà một”. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng. Trải qua 13 kỳ Đại hội Đảng, trong đó có 8 đại hội của thời kỳ đổi mới nhưng quan điểm trên không hề thay đổi. Từ Đại hội VII đến Đại hội XIII của Đảng vừa qua, những quan điểm về tôn giáo tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.
Nối tiếp dòng chảy và truyền thống hơn 2000 năm qua của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo tỉnh Lạng Sơn hôm nay đã làm được nhiều việc tốt đạo, đẹp đời. Thông qua hoằng dương Phật pháp, Phật giáo tỉnh nhà đã đưa đến cho đồng bào Phật tử tư tưởng sống trong chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ.
Lãnh đạo Ban trị sự tặng quà, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ
Với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã phát huy truyền thống “Hộ quốc – An dân” bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt con đường hành đạo của mình. Đồng thời, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội như: hưởng ứng Ngày vì người nghèo, ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Trong nhiệm kỳ III (2017 – 2022), công tác từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tựu.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Phật giáo tỉnh và các Phật tử thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Lạng Sơn, thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phối hợp với MTTQ các cấp, hỗ trợ xây tặng 58 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ là cựu thanh niên xung phong trong tỉnh; trao tặng tiền mặt cho Quỹ xóa đói giảm nghèo; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ Bảo trợ trẻ em; Quỹ Khuyến học; ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim; tặng nhiều suất học bổng toàn phần cho các em học sinh nghèo vượt khó. Đồng thời, tặng hàng nghìn phần quà khuyến học cho thanh thiếu niên Phật tử, phối hợp với MTTQ các cấp và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh xây phòng học bán trú; trợ cấp gạo hằng tháng cho 50 đối tượng neo đơn, tàn tật; mổ tim cho các cháu bị dị tật tim bẩm sinh… Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh còn phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng được 12 cầu An Lạc qua suối, ngầm tràn; ủng hộ xây dựng đường biên giới ở huyện Đình Lập; trực tiếp tổ chức đến các tỉnh bị thiên tai lũ lụt ở miền Trung thăm và tặng quà cho đồng bào bị ảnh hưởng trị giá hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, trong các lần đại dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh đã trực tiếp tới thăm tặng quà các lực lượng tuyến đầu chống dịch, quyên góp tặng nhiều phần quà, các trang thiết bị phòng, chống dịch, nhiều lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con các vùng bị cách ly trong tỉnh; ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 … với số tiền 450.950.000 đồng. Nhiệm kỳ III (2017 – 2022), công tác từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh được thực hiện với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khánh thành cầu An Lạc 7 tại huyện Chi Lăng
Ban Trị sự đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an thành phố Lạng Sơn, Hội Người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn và một số sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho toàn thể tín đồ Phật tử trong tỉnh. Kết quả trong nhiệm kỳ III (2017 – 2022) đã có gần 500 cuộc tuyên truyền với trên 100.000 lượt Phật tử tham dự. Đặc biệt, trong dịp tết Ông Công, Ông Táo hằng năm, Ban Trị sự đã phối hợp với UBND thành phố Lạng Sơn, Thành đoàn Lạng Sơn và các đơn vị liên quan, tổ chức tuyên truyền cho Phật tử và Nhân dân không vứt các đồ thờ cúng và các túi nilong sau khi thả cá xuống sông Kỳ Cùng. Những năm qua, sông Kỳ Cùng luôn trong xanh, đảm bảo mỹ quan và môi trường trong sạch.
Thông qua các cuộc tuyên truyền giúp cho tín đồ Phật tử hiểu rõ và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước… Qua thống kê có trên 90% gia đình Phật tử đạt gia đình văn hóa. Từ đó, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đời sống tâm linh của đồng bào Phật tử trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định, tạo không khí phấn khởi, xây dựng gia đình và quê hương ngày càng giàu đẹp.
Để tôn vinh các Phật tử cao tuổi và giáo dục các thế hệ con cháu biết sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, Phật giáo tỉnh đã tổ chức các buổi lễ mừng thọ cho các Phật tử vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm. Nét đẹp văn hóa này đã góp phần đẩy lùi những vấn nạn về sự bất hiếu, bất kính trong xã hội hiện đại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Các khóa tu dành cho thanh thiếu niên được tổ chức thường xuyên, hướng dẫn các em những kỹ năng sống, giáo dục về đạo đức, định hướng nhân cách, giúp các em trở thành con ngoan trò giỏi, tránh xa những tệ nạn xã hội, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, giải tỏa được những thắc mắc, ưu tư của tuổi mới lớn…
Với những đóng góp đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III và nhiều bằng khen của UBND tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh… Để có được những thành tựu trên, Ban Trị sự luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh.
Phát huy những kết quả tốt đẹp qua các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ III (2017 – 2022), trong nhiệm kỳ IV (2022 – 2027), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đưa các hoạt động Phật sự tốt đạo đẹp đời, gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, kiên định phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng và đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()