Phát điện nhà máy điện mặt trời đầu tiên lắp đặt trên mặt hồ
Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (tỉnh Bình Thuận) được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5 MWp, sử dụng công nghệ tấm pin quang điện.
Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thuỷ điện Đa Mi. |
Trước đó, ngày 13/5, DHD đã đóng điện trạm inverter A với công suất điện phát lên lưới là 20,5 MWp và đóng điện đường dây 110 kV đồng bộ với nhà máy.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5 MWp, sử dụng công nghệ tấm pin quang điện, với quy mô 2 trạm inverter trung tâm và máy biến áp nâng áp trung thế 0,6/22kV. Trong đó, trạm inverter A đặt trên bờ với công suất 17,5 MW, trạm inverter B đặt ngoài đảo nổi với công suất 25 MW; 1 trạm biến áp nâng áp 22/110 kV, công suất 63 MVA cho toàn nhà máy; 1 đường dây 110 kV mạch kép, dài khoảng 3,33 km từ trạm nâng áp 22/110 kV của nhà máy điện mặt trời đến đấu nối chuyển tiếp đồng bộ vào đường dây 110 kV Hàm Thuận-Đức Linh hiện có…
Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có tổng diện tích mặt bằng sử dụng 56,65 ha, trong đó, diện tích mặt nước là 50 ha; tổng mức đầu tư khoảng 1.440 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 14,5 năm. Với công suất 47,5 MWp, năm đầu tiên vào vận hành, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 69,9 triệu kWh.
Nhà máy điện mặt trời tại hồ thủy điện Đa Mi được xây dựng với mục tiêu bổ sung một nguồn năng lượng sạch vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng cung cấp điện cho hệ thống điện nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được lắp đặt trên mặt hồ, góp phần tạo tiền đề, cơ sở để phát triển nguồn năng lượng sạch, phù hợp với định hướng phát triển nguồn điện của Chính phủ.
Việc Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đưa vào vận hành sớm hơn 33 ngày so với tiến độ đã góp phần bổ sung thiếu hụt sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi, đồng nghĩa với việc giảm phát điện bằng nguồn nhiên liệu dầu trong tình trạng công suất hệ thống điện quốc gia tăng đột biến do nắng nóng.
Dự án điện mặt trời Sông Luỹ 1 là một trong những dự án vận hành thương mại sớm nhất tỉnh Bình Thuận. |
Khánh thành nhiều dự án điện mặt trời
Những ngày cuối tháng 5 này, tỉnh Bình Thuận cũng khánh thành và đưa vào hoạt động thương mại nhiều dự án nhà máy điện mặt trời.
Cụ thể, tại xã Sông Lũy (huyện Bắc Bình), Công ty cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận đã chính thức đóng điện Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 và hòa lưới điện quốc gia với công suất lắp đặt 46,7 MWp.
Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 khởi công vào tháng 9/2018 với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến sản xuất khoảng 80 triệu kWh/năm.
Trước đó, vào ngày 23/5, tại xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, Tập đoàn TTC và Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời TTC-Hàm Phú 2.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 54,2 ha với quy mô 49 MWp, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 7/2018.
Sau hơn 8 tháng thi công, Nhà máy điện mặt trời TTC-Hàm Phú 2 đã đóng điện thành công vào tháng 4 vừa qua, trở thành nhà máy điện mặt trời đầu tiên nối lưới điện 110 kV tại tỉnh Bình Thuận.
Dự kiến, nhà máy cung cấp sản lượng trên 76 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng cho trên 34.000 hộ gia đình, làm giảm phát thải CO2 ra môi trường khoảng 21.398 tấn/năm.
Ông Dương Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công Thương Bình Thuận) cho biết, từ nay đến 30/6, sẽ có khoảng 20 dự án điện mặt trời hoàn thành, đóng điện với tổng công suất 873,48 MW (tương đương 1.100 MWp). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Hiện nay đã có 9 dự án hoàn thành, đóng điện, công suất 574,8 MW (tương đương 734,2 MWp), trong đó có 3 dự án đã phát điện COD, 6 dự án còn lại đã đóng điện ngược.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()