Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN 38
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38.
Sáng 26/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thưa Quốc vương và Quý vị,
Cùng với các vị đồng nghiệp ASEAN, tôi xin nồng nhiệt chào mừng Thủ tướng Lào và Thủ tướng Malaysia lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN. Tôi cũng hoan nghênh những ý kiến của các Quý vị đã phát biểu trước tôi.
Năm 2021, dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Brunei Darussalam, chúng ta đã nỗ lực khẳng định năng lực và vị thế của ASEAN, duy trì tiến trình xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức nảy sinh mới như các Quý vị đã biết.
Chia sẻ ý kiến với các Quý vị đã phát biểu, tôi xin nhấn mạnh hai điểm quan trọng ASEAN cần tập trung giải quyết trong thời gian tới:
Thứ nhất, hai năm qua, thế giới và khu vực chúng ta đã phải vật lộn với đại dịch COVID-19. Mặc dù rất hy vọng có ngày COVID-19 được loại trừ hoàn toàn song đến lúc này, chúng ta cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết hơn nữa để chung tay chống dịch bệnh. Bởi vì, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19.
Tình hình biến đổi nhanh, khó lường đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh cách tiếp cận để quản lý sự thay đổi. Do đó, đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân.
Là một trong số các nước ASEAN đang đẩy mạnh nghiên cứu và chủ động sản xuất vaccine, Việt Nam đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực chúng ta. Có thể cân nhắc dùng Quỹ ứng phó COVID-19 của các nước ASEAN hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, bào chế thuốc và vaccine.
Nhân dịp này, tôi xin công bố danh mục trang thiết bị y tế trị giá nhiều triệu đôla Mỹ của Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, sẵn sàng điều chuyển đến các nước khi có nhu cầu.
Việt Nam cho rằng người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội. Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp cũng phải vừa là chủ thể, vừa là trung tâm để tham gia có trách nhiệm trong tiến trình này.
Với tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ,” chúng ta cần tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Thỏa thuận Khung hành lang đi lại ASEAN vừa được thông qua rất có ý nghĩa, cần được tận dụng hiệu quả để tạo thuận lợi tối đa cho di chuyển thiết yếu trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vaccine và sẵn sàng trao đổi công nhận chứng nhận tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 với các nước ASEAN, trong đó có hình thức “chứng nhận số.”
Thứ hai, cùng với giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đà liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, cần định vị chỗ đứng mới của ASEAN trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới. Cộng đồng ASEAN cần củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, một số lợi thế cạnh tranh trước đây của ASEAN như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất thấp… sẽ cần được bồi đắp bằng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao…
Những tồn tại, hạn chế như khoảng cách phát triển, khả năng xử lý các thách thức xuyên quốc gia cần được khắc phục hiệu quả không để ảnh hưởng đến tiến trình liên kết ASEAN. Theo đó, tôi ủng hộ thông qua và triển khai sáng kiến về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Chiến lược tổng thể về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sáng kiến Lá chắn ASEAN và Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26.
Thưa Quý vị,
Với mong muốn thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác, khai thác hiệu quả những lợi thế, tiềm năng phát triển ở tiểu vùng, bảo đảm phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN, tôi trân trọng mời các nước ASEAN tham dự và đóng góp cho Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì Phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm do Việt Nam chủ trì tổ chức ngày 30/11 tới đây.
Nhân dịp này, tôi xin vui mừng thông báo với Quý vị lá cờ ASEAN đã tung bay bên cạnh Quốc kỳ Việt Nam tại trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, bắt đầu từ ngày 8/8/2021, thể hiện trách nhiệm, cam kết của Việt Nam đề cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN trong người dân và với bạn bè quốc tế.
Một lần nữa, tôi xin chúc mừng thành công của Chủ tịch Brunei Darussalam đã đưa ASEAN qua một năm đầy khó khăn, thử thách và khẳng định sự ủng hộ nhiệt thành của Việt Nam với Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc vương và các Quý vị./.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ý kiến ()