Pháp với tham vọng trở thành “quốc gia xe đạp”
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Pháp Clément Beaune bày tỏ mong muốn xe đạp trở thành phương tiện giao thông thực sự chứ không chỉ là công cụ giải trí.
Với mong muốn thúc đẩy người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại, mới đây, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố “quỹ xe đạp” thứ hai trị giá 250 triệu euro trong năm 2023 để giúp các thành phố xây dựng đường dành cho xe đạp và các bãi đậu xe an toàn. Đây là một phần trong “dự án xe đạp” đầy tham vọng của Chính phủ Pháp được triển khai từ năm 2018.
Dự án đầy tham vọng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 4 năm triển khai “dự án xe đạp” ngày 14-9 vừa qua, Thủ tướng Borne cho biết, trong tổng số 250 triệu euro trên, 200 triệu euro sẽ được dành cho cơ sở hạ tầng và 50 triệu euro để xây dựng các bãi đậu xe. “Một ủy ban liên bộ về xe đạp, bao gồm bộ trưởng các bộ liên quan, cũng sẽ được thành lập vào mùa thu này”, Thủ tướng Borne nhấn mạnh.
Theo nouvelobs.com, “dự án xe đạp” gắn bó với Thủ tướng Borne kể từ khi bà còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe. Ngày 14-9-2018, Chính phủ Pháp đã công bố “dự án xe đạp” quy mô quốc gia với vốn đầu tư trị giá 350 triệu euro trong 7 năm (2018-2025). Trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, dự án được bổ sung 150 triệu euro, lấy từ ngân sách phục hồi kinh tế của nước này.
Người dân đi xe đạp ở Quảng trường Madelaine ở Paris (Pháp). Ảnh: nouvelobs.com |
Thủ tướng Borne nhấn mạnh, xe đạp hiện chỉ chiếm 3% trong số các phương tiện sử dụng tại Pháp và chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên gấp 3 lần, đạt 9% vào năm 2024.
“Dự án xe đạp” có 4 hợp phần, gồm: Xây dựng đường dành riêng cho xe đạp trong các đô thị với tốc độ tối đa 50km/giờ, đồng thời bảo đảm an toàn đường bộ; chống trộm cắp, theo đó, tất cả xe đạp mới được bán ở Pháp từ ngày 1-1-2021 phải có mã nhận dạng, các bãi đậu xe phải được trang bị hệ thống khóa hoặc giám sát an toàn…; khuyến khích người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại bằng việc thưởng tiền, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu sang xe đạp, ưu đãi thuế…; phát triển văn hóa đi xe đạp, theo đó, thiết lập chương trình “Biết cách đi xe đạp” cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi với mục đích đến năm 2024, tất cả trẻ em khi bước vào trường trung học cơ sở phải đi xe đạp thành thạo và độc lập trong điều kiện giao thông thực tế.
Kể từ khi được triển khai, “dự án xe đạp” đã đạt được một số thành quả. Cụ thể, theo Bộ Sinh thái Pháp, 5 lần kêu gọi nhà thầu trong những năm 2019-2022 đã thành công rực rỡ với 933 dự án thắng thầu. Trong 4 năm qua, Pháp đã xây dựng 14.000km đường dành cho xe đạp, hơn 170.000 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi đã biết đi xe đạp. Thống kê của Hiệp hội Vélo & Territoires cho thấy, từ năm 2019 đến 2021, số người sử dụng xe đạp ở Pháp đã tăng 33%. Hiện nay, xe đạp là phương tiện giao thông bán chạy nhất ở đất nước hình lục lăng.
Sự thay thế đáng tin cậy
Theo tờ Les Echos (Pháp), người dân khó có thể đi làm hoặc mua sắm bằng xe đạp nếu phải di chuyển quãng đường dài từ 30km trở lên. Nhưng việc lựa chọn xe đạp cho những quãng đường ngắn lại có tác động rất lớn. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Communications Earth and Environment chỉ ra rằng, thế giới có thể giảm lượng khí thải CO2 gần 700 triệu tấn/năm, tương đương với lượng khí thải của Canada, nếu mọi người đều đạp xe 2,6km/ngày như người Hà Lan. Nếu mỗi chủ sở hữu đạp xe trung bình 1,6km/ngày, thế giới sẽ giảm lượng khí thải CO2 khoảng 414 triệu tấn/năm, tương đương với lượng khí thải hằng năm của Vương quốc Anh.
Để đưa ra những ước tính này, các nhà nghiên cứu đã dựa trên cơ sở dữ liệu đầu tiên trên thế giới về quyền sở hữu và sử dụng xe đạp ở 60 quốc gia kể từ đầu thập niên 1960. Theo nghiên cứu trên, trong giai đoạn 1962-2015, số lượng xe đạp được sản xuất vượt quá ô tô.
Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 2/3 trong số hơn 123 triệu xe đạp được sản xuất trong năm 2015. Trong số 60 quốc gia được nghiên cứu, tỷ lệ sử dụng xe đạp đi lại hằng ngày trung bình chỉ đạt 5%. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, số lượng xe đạp lớn nhưng chủ sở hữu có xu hướng coi đạp xe như một công cụ giải trí hơn là phương tiện đi lại hằng ngày và các chuyến đi với quãng đường ngắn thường được thực hiện bằng ô tô.
Giáo sư Gang Liu của Trường Đại học Nam Đan Mạch, một trong những tác giả của nghiên cứu trên, khẳng định xe đạp sẽ là một giải pháp thay thế đáng tin cậy trong bối cảnh nhu cầu vận tải toàn cầu dự kiến tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này. Bên cạnh đó, đi xe đạp còn mang lại lợi ích về sức khỏe và cải thiện chất lượng không khí. Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Pháp Clément Beaune bày tỏ mong muốn xe đạp trở thành phương tiện giao thông thực sự chứ không chỉ là công cụ giải trí.
Ý kiến ()