Pháp và Đức vẫn chia rẽ về lộ trình cải cách Eurozone
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đã có chuyến thăm và làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại thủ đô Berlin, để thảo luận về tương lai của Liên minh châu Âu vào ngày 19/4.
Pháp và Đức vẫn chưa thống nhất được lộ trình cải cách khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone, mặc dù các cuộc thương lượng gần đây giữa hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ.
Giới chức Pháp và Đức đã đưa ra thông báo trên sau khi bộ trưởng tài chính 2 nước vừa kết thúc cuộc họp nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone này tại thủ đô Paris ngày 9/6.
Một quan chức Pháp cho biết tại cuộc họp nêu trên với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire hai bên đã thảo luận về tất cả các vấn đề còn tồn đọng và đã đạt được tiến bộ đáng kể.
Tuy nhiên, quan chức này khẳng định hai bên còn một số việc phải làm trước khi có thể thống nhất được một lộ trình.
Một người phát ngôn của của Bộ Tài chính Đức đưa ra thông báo tương tự, đồng thời cho biết giới chức hai nước sẽ nối lại các cuộc thương lượng vào tuần tới. Nhiều khả năng hai bên sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến.
Tại cuộc gặp người đồng cấp Pháp, Bộ trưởng Tài chính Đức Scholz đã đề xuất xây dựng một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp toàn châu Âu để đảm bảo “sức đề kháng” khu vực Eurozone trước các “cú sốc” kinh tế trong tương lai.
Ông Scholz cũng muốn bổ sung việc tính thuế giao dịch tài chính.
Trước đó, phát biểu tại một hội nghị các doanh nghiệp ở Berlin (Đức), Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire đã hoan nghênh việc Thủ tướng Đức Merkel ủng hộ ý tưởng về việc xây dựng ngân sách đầu tư Eurozone.
Tuy nhiên, ông Maire khẳng định Pháp và Đức có một con đường để đạt được mục tiêu chung.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết công bố một đề xuất cải cách chung Eurozone tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến vào ngày 27-28/6 tới. Tuy nhiên, cho đến nay hai nước vẫn bất đồng về các vấn đề của Eurozone và quy định ngân hàng.
Trong khi ông Macron chủ trương kêu gọi củng cố sức mạnh đoàn kết ở châu Âu, bà Merkel kiên trì chính sách người nộp thuế ở các nước giàu hơn không nên trả tiền cho những thất bại của chính phủ những nước nghèo hơn.
Pháp và Đức, hiện chiếm khoảng 50% sản lượng kinh tế khu vực, được đánh giá là thành tố chủ chốt trong nỗ lực cải cách khối. Do đó, mặc dù tồn tại nhiều quan điểm khách biệt, nhưng giới chức Berlin và Paris đều bày tỏ niềm tin lãnh đạo hai nước sẽ đạt được một lập trường chung trước Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()