Pháp thiệt hại hơn 160 tỷ euro ngân sách năm 2020 do dịch Covid-19
Chính phủ Pháp ước tính cuộc khủng hoảng dịch bệnh trong năm 2020 đã gây thiệt hại hơn 160 tỷ euro cho ngân sách nhà nước. Pháp tiếp tục đối mặt đợt dịch thứ ba đang lây lan rất mạnh với gần 39 nghìn ca nhiễm vào ngày 17-3, mức cao nhất kể từ tháng 11-2020.
Phát biểu trước Thượng viện, ông Olivier Dussopt, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề ngân sách, cho biết mức thiệt hại còn lớn hơn nhiều vì dịch bệnh tiếp diễn phức tạp. Chi ngân sách sẽ còn tăng vì Nhà nước vẫn duy trì hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động.
Ông Olivier Dussopt nói: Thất thu ngân sách cùng với các khoản chi để ứng phó cuộc khủng hoạch dịch bệnh cũng như an sinh xã hội ước tính lên tới 160-170 tỷ euro. Thiệt hại trong năm 2020 chiếm khoảng 7,5% trong tổng số 2.130 tỷ euro của GDP, vốn bị giảm tới 8,3% trong năm qua.
Pháp là một trong những nước bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh ở khu vực EU. Năm 2020, Pháp đã chi gần 42 tỷ euro trợ cấp thất nghiệp tạm thời, miễn giảm đóng góp xã hội và cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động kinh tế đình trệ cũng đã làm thất thu ngân sách tới hơn 37 tỷ euro.
Năm nay, Nhà nước Pháp sẽ phải bổ sung nhiều khoản chi cho chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 và hỗ trợ thấp nghiệp. Do vậy, ông Olivier Dussopt cho rằng, hiện khó có thể xác định mức độ cũng như thời điểm có thể chấm dứt thiệt hại ngân sách do dịch bệnh.
Thống kê trong ngày 17-3 cho thấy tình hình dịch bệnh ở Pháp ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại vùng thủ đô Ile-de-France và vùng Hauts-de-France ở phía bắc giáp nước Bỉ. Tỷ lệ nhiễm bệnh và nhập viện tăng rất nhanh trong mấy ngày qua, buộc các bệnh viện ở các vùng có nguy cơ cao phải chuẩn bị kế hoạch sơ tán bệnh nhân nặng.
Tại vùng thủ đô Ile-de-France, các bệnh viện đang phải chịu sức ép rất lớn vì có gần 1/4 trong tổng số hơn 4.200 ca hồi sức cấp cứu. Các chuyên gia y tế dự báo số ca bệnh nặng tăng mạnh vào cuối tháng 3 và có thể lên tới gần 3.000 vào đầu tháng 4.
Ông Martin Hirsch, Tổng Giám đốc Các bệnh viện công của Paris (AP-HP), cho rằng tình hình tại vùng Ile-de-France “đã không nằm trong tầm kiểm soát”. Vì vậy cần phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp vì thực tế các bệnh viện đã quá tải.
Trước nguy cơ dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát trong những ngày tới, ngày 17-3, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ sớm đưa ra quyết định chặn đà lây lan của dịch bệnh. Hiện có hai phương án đang được chính phủ xem xét: phong tỏa vùng thủ đô vào hai ngày nghỉ cuối tuần hoặc phong tỏa cả tuần trong một thời gian.
Theo Bộ Y tế Pháp, tính tới ngày 17-3, có hơn 5,5 triệu người ở Pháp đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Thủ tướng Jean Castex đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và cho rằng đây “vũ khí” hiệu quả nhất để chặn đà lay lan của dịch bệnh ở Pháp.
Dự kiến trong ngày hôm nay, Thủ tướng Pháp sẽ công bố quyết định bổ sung các hạn chế tại các khu vực có dịch lây lan mạnh trong đó vùng thủ đô Ile-de-France và vùng Hauts-de-France.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Høie cho biết nước này đã bước vào đợt dịch thứ ba sau khi ghi nhận tới 1.156 ca nhiễm vào ngày 16-3, mức kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, các biến thể mới đang lây lan rất nhanh ở Na Uy.
Trong khi đó tình hình dịch bệnh tại Anh có xu hướng giảm mạnh, từ gần 30 nghìn ca/ngày vào cuối tháng 1 xuống còn 5-6 nghìn trong suốt hai tuần qua. Hiện có hơn 25 triệu trong tổng số gần 6,7 triệu dân ở Anh đã được tiêm mũi thứ nhất của vaccine ngừa Covid-19. Ngày 17-3, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy đã hạn chế đáng kể tỷ lệ tử vong, chỉ còn hơn 100 ca và bằng 1/3 so với tuần trước.
Ý kiến ()