Phập phồng nỗi lo mất an toàn
LSO-Theo thống kê, toàn huyện Tràng Định có hơn 100 cầu treo dân sinh được làm từ tre, gỗ, hầu hết đều đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Hàng ngày, người dân vừa lưu thông vừa thấp thỏm nỗi lo cầu sập.
Do cầu bị trôi trong cơn bão số 2, người dân thôn Cốc Coọng phải làm bè mảng để qua sông |
Địa hình huyện Tràng Định bị chia cắt bởi có 2 con sông và 7 con suối. Chính vì vậy, nhiều địa điểm phải qua sông, qua suối. Điển hình như phân trường tiểu học, mầm non Cốc Coọng, thôn Cốc Coọng, xã Kháng Chiến, nằm bên bờ sông Kỳ Cùng. Đây là nơi học tập của hàng chục đứa trẻ của 3 thôn Bản Bon, Nà Sẩn, Cốc Coọng. Để đến trường, bọn trẻ phải đi qua 3 cây cầu tre, mỗi khi có lũ, cầu trôi, bọn trẻ lại không thể đến trường. Chính vì vậy, những ngày đầu năm học mới, bên cạnh việc chuẩn bị quần áo, sách vở, phụ huynh còn thêm gánh nặng làm cầu cho bọn trẻ có đường đi học. Chị Lương Thị Lan, thôn Nà Sẩn cho biết: đầu năm học, việc đầu tiên bao giờ cũng là làm cầu cho lũ trẻ, mỗi hộ đều phải góp tre và ngày công để làm cầu. Năm nào cũng phải làm 2 – 3 lần, những năm lũ nhiều thì còn phải làm nhiều hơn. Lúc chúng tôi có mặt tại bến sông thuộc thôn Bản Bon, cây cầu tre là con đường đến trường duy nhất của bọn trẻ đã bị cơn bão số 2 cuốn trôi. Để qua lại trên sông, người dân phải đốn tre tạm thời làm những chiếc bè mảng đưa người và hàng hóa qua sông, đây cũng là phương tiện đưa lũ trẻ đến trường. Không chỉ riêng xã Kháng Chiến, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có cầu treo dân sinh và người dân nhất là các cháu học sinh đều đang phải qua sông trên những cây cầu thô sơ, không đảm bảo an toàn, mỗi khi có lũ lớn con đường đến trường càng thêm trắc trở.
Ông Đàm Ngọc Minh, Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng, Phó trưởng Ban An toàn Giao thông huyện Tràng Định cho biết: hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 100 cầu treo dân sinh phân bố ở hầu hết các xã trên địa bàn. Những cây cầu này đều do người dân tự làm để qua sông, qua suối. Vật liệu chủ yếu là tre, gỗ hết sức thô sơ nên việc đi lại không đảm bảo an toàn. Vừa qua, cơn bão số 2 đã cuốn trôi hơn 50% số cầu trên địa bàn. Một số không bị trôi do người dân neo lại nhưng thời gian sử dụng cũng rất hạn chế. Do đều là tre, gỗ nên tuổi thọ không cao, vì vậy việc vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng của người dân gặp không ít khó khăn. Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát 19 cầu trên các tuyến đường huyện, 63 cầu trên địa bàn xã. Qua kiểm tra, đa số cầu đường xã, móng, mố cầu được làm bằng đá xây, đá hộc xếp khan, đá hộc rọ tre không an toàn; dầm, mặt cầu thường làm bằng gỗ, ván, tre, khả năng khai thác không được lâu dài, không có lan can cũng như cảnh báo để người dân biết khi qua lại. Theo kết luận của đoàn kiểm tra, tất cả cầu treo dân sinh trên địa bàn huyện đều cần được đầu tư xây dựng mới. Quan tâm đến vấn đề này, trong năm 2013 – 2014, huyện Tràng Định đã huy động từ các nguồn đầu tư xây dựng được 7 công trình vượt sông, suối; trang bị biển báo cho một số cầu treo. Tuy nhiên, so với số lượng cầu treo dân sinh trên địa bàn thì việc đầu tư xây dựng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Lưu thông trên những cây cầu treo dân sinh là không an toàn, gây khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa. Điều này ai cũng biết và người dân trong khu vực càng thấu hiểu hơn. Để có thể đi lại được, người dân đã tự làm cầu nhưng sức dân có hạn nên chất lượng cũng như tuổi thọ công trình còn hạn chế. Chính vì vậy, rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc xây dựng những cây cầu kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()