Pháp nỗ lực khôi phục uy tín quốc tế
Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di vừa tiến hành cải tổ chính phủ, thay thế một số bộ trưởng quan trọng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng. Đây là cuộc "thay máu" chính phủ lần thứ bảy kể từ khi Tổng thống Xác-cô-di nhậm chức tháng 5-2007.Cuộc cải tổ chính phủ lần này nhằm đối phó những thách thức mới về an ninh và đối ngoại của Pháp, trong bối cảnh tình hình an ninh và chính trị đang diễn biến phức tạp và khó lường ở Trung Đông và Bắc Phi, những khu vực Pháp vốn có tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn là nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012.Theo đó, cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng A.Giuýp-pê được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu, thay thế bà M.A.Ma-ri, người đã từ chức sau khi bị dư luận chỉ trích về chuyến thăm Tuy-ni-di trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở nước này. Tổng Thư ký Phủ Tổng thống C.Ghê-ăng được cử làm Bộ trưởng Nội vụ, Lãnh thổ hải ngoại và Nhập cư thay thế...
Cuộc cải tổ chính phủ lần này nhằm đối phó những thách thức mới về an ninh và đối ngoại của Pháp, trong bối cảnh tình hình an ninh và chính trị đang diễn biến phức tạp và khó lường ở Trung Đông và Bắc Phi, những khu vực Pháp vốn có tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn là nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012.
Theo đó, cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng A.Giuýp-pê được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu, thay thế bà M.A.Ma-ri, người đã từ chức sau khi bị dư luận chỉ trích về chuyến thăm Tuy-ni-di trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở nước này. Tổng Thư ký Phủ Tổng thống C.Ghê-ăng được cử làm Bộ trưởng Nội vụ, Lãnh thổ hải ngoại và Nhập cư thay thế ông B.Oóc-tơ-phơ sang làm Cố vấn Phủ Tổng thống chuyên trách công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2012. Ông G.Lông-ghê làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Giuýp-pê. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao mới Giuýp-pê đã công bố những ưu tiên ngoại giao, trong đó tập trung việc tái xây dựng Liên minh Địa Trung Hải (UfM) và thúc đẩy phát triển châu Phi, nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của Pháp ở châu lục này. Trước đó, Tổng thống Xác-cô-di nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lại UfM, được thành lập tháng 7-2008 theo sáng kiến của ông, nhằm thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực này. UfM có 43 nước thành viên, gồm 27 nước Liên hiệp châu Âu (EU) và 16 nước đối tác vùng Địa Trung Hải thuộc Bắc Phi, Trung Đông và Ban-căng. Kể từ khi được thành lập, UfM đã gặp nhiều khó khăn, không thể tổ chức hội nghị cấp cao trong năm 2009 và 2010, vì bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông.
Giới phân tích nhận định, việc đưa cựu Thủ tướng Giuýp-pê trở lại làm Bộ trưởng Ngoại giao (ông Giuýp-pê từng làm Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1993 đến 1995), ông chủ Điện Ê-li-dê (Phủ Tổng thống) muốn thúc đẩy chính sách ngoại giao và an ninh của Pháp, đồng thời lấy lại hình ảnh và uy tín của đất nước, bị sứt mẻ bởi các vụ tai tiếng của người tiền nhiệm M.Ma-ri, việc Pa-ri phản ứng chậm chạp và lúng túng trước những biến động chính trị ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Cốt Đi-voa… Tuy nhiên, quyết định trên là con bài chiến lược để cứu vãn uy tín trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Xác-cô-di, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tới gần. Ông Xác-cô-di hy vọng, Bộ trưởng Ngoại giao Giuýp-pê sẽ giúp cải thiện hình ảnh và vị thế của nước Pháp, giành lại sự ủng hộ của cử tri như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007. Tại thời điểm Pháp đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8), quyết định cải tổ chính phủ của Tổng thống Xác-cô-di được đánh giá là cần thiết, nhằm định hướng công tác điều hành của chính phủ trước thềm cuộc bầu cử. Những bước đi đầu tiên của Pháp kể từ khi đảm nhiệm chức Chủ tịch G8 và G20 được quốc tế hoan nghênh. Nhưng đối với hơn 60 triệu người dân Pháp đang xoay vần vì 'cơm áo gạo tiền' trong thời buổi suy thoái và lạm phát, nỗ lực này không ghi được dấu ấn đậm. Đối ngoại là lĩnh vực mà chính phủ của ông Xác-cô-di giành được một số thành tựu kể từ khi Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU năm 2008 và các giải pháp cứu vãn đồng ơ-rô. Trước những diễn biến phức tạp ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ông Xác-cô-di buộc phải hành động nhằm cứu vãn tình thế, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri Pháp dành cho ông giảm mạnh. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cử tri do báo Tiếng vang tiến hành mới đây cho thấy, 70% số người Pháp được hỏi tỏ ý nghi ngờ việc ông Xác-cô-di có thể đạt những thành tựu lớn trên cương vị Chủ tịch G20 và G8.
Cuộc cải tổ chính phủ lần thứ bảy của Tổng thống Xác-cô-di chỉ là bước đi đầu tiên trong việc khôi phục hình ảnh và uy tín của nước Pháp trên trường quốc tế, cũng như vị thế của chính phủ đối với người dân. Nếu nỗ lực này không mang lại hiệu quả, hy vọng thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2012 để tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Xác-cô-di sẽ rất mong manh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()