Pháp nỗ lực cân bằng ngân sách
Chính phủ Pháp vừa tung ra gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách. Đây được xem là bước đi cần thiết để Paris hiện thực hóa mục tiêu cân bằng ngân sách, ổn định nền kinh tế.
Mới đây, Chính phủ Pháp thông báo cắt giảm 10 tỷ euro ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định, chính phủ sẽ không tăng thuế và giảm các khoản an sinh xã hội, song tất cả các bộ và cơ quan chính phủ sẽ phải cùng chung tay thắt chặt chi tiêu. Quyết định cắt giảm ngân sách nêu trên do Thủ tướng Gabriel Attal ký ban hành. Trong phần ngân sách bị cắt giảm có 2 tỷ euro vốn được phân bổ cho chương trình chuyển đổi năng lượng và môi trường. Trước đó, Pháp đã giảm ngân sách dành cho giáo dục, tư pháp, quốc phòng và phát triển địa phương. Chính phủ Pháp cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh ngân sách bổ sung vào mùa hè tới, tùy thuộc vào tình hình kinh tế và chính trị.
Với bước đi nêu trên, Pháp kỳ vọng, con thuyền kinh tế nước này sẽ đi đúng lộ trình thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách, từ khoảng 4,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 xuống còn 4,4% năm 2024, và giảm xuống dưới mức trần 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2027. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nhấn mạnh, đây là nỗ lực lớn của chính phủ nước này để hiện thực hóa một kế hoạch đầy tham vọng là phục hồi nền tài chính công.
Quyết định cắt giảm được đưa ra trong bối cảnh Paris đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ thâm hụt ngân sách tiếp tục phình to, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng. Số liệu chính thức do Cơ quan Thống kê Pháp (INSEE) công bố cho thấy, kinh tế Pháp tăng trưởng 0,9% trong năm 2023, song đình trệ trong hai quý cuối năm. Chính phủ nước này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 1,4% xuống 1%. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2024 của Pháp xuống còn 0,9%, từ mức dự báo 1,2% được đưa ra hồi tháng 12/2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cập nhật dự báo tăng trưởng GDP của Pháp năm 2024 xuống còn 0,6%.
Giới phân tích nhận định, quyết định triển khai chính sách “thắt lưng buộc bụng” là bước đi cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang đối mặt nhiều khó khăn.
Giới phân tích nhận định, quyết định triển khai chính sách “thắt lưng buộc bụng” là bước đi cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang đối mặt nhiều khó khăn. Các vấn đề thiếu hụt nguồn lao động, sự đình trệ trong hoạt động sản xuất, lạm phát cao, chi phí đi vay tăng mạnh… là những bài toán khó đối với Paris. Ngoài ra, cơn gió ngược từ bên ngoài như xung đột tại Ukraine và Dải Gaza, tình trạng gián đoạn hoạt động vận tải qua Biển Đỏ, cùng việc nền kinh tế của các đối tác thương mại hàng đầu như Đức tăng trưởng chậm lại, cũng có thể là trở lực đối với nền kinh tế Pháp.
Bên cạnh đó, “thắt lưng buộc bụng” cũng là biện pháp mà EU khuyến nghị Pháp và nhiều nước thành viên triển khai. Trong đợt đánh giá định kỳ gần đây về tình hình ngân sách của các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Pháp, Bỉ, Phần Lan và Croatia có nguy cơ vi phạm các quy định ngân sách của EU trong năm 2024 vì chi tiêu quá mức. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh, các quốc gia thành viên cần thực hiện những biện pháp cần thiết để tuân thủ giới hạn thâm hụt ngân sách mà khối này đặt ra.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách tại một số nước EU tăng cao, trong đó có Pháp. Bà Georgieva khẳng định, mức tăng trưởng ở Pháp cho phép nước này có nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách, song khuyến nghị Pháp vẫn nên thắt chặt chi tiêu trong năm 2024.
Cân bằng ngân sách được xem là thách thức chung của nhiều nước EU, trong đó có Pháp. Giới phân tích kỳ vọng, các biện pháp quyết liệt vừa được ban hành sẽ phát huy tác dụng, giúp Pháp sớm ổn định nền tài chính công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ý kiến ()