Pháp ngữ ngày càng khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trên trường quốc tế
Việt Nam là thành viên của Pháp ngữ từ năm 1979 và đã tham gia đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của Cộng đồng, nhất là về thúc đẩy hợp tác kinh tế bên cạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, hợp tác nghị viện, thanh niên.
Ngày 11/10/2018, tại Yerevan, Thủ đô nước Cộng hòa Armenia, Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 17 đã khai mạc trọng thể. Tham dự Hội nghị có khoảng 40 lãnh đạo các nước và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, đại diện của Liên hợp quốc, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên với hơn 900 triệu dân trên cả năm châu lục. Kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội năm 1997 với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ, bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Cộng đồng và đề cao hợp tác kinh tế, Pháp ngữ ngày càng khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trên trường quốc tế, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực như hòa bình, an ninh, đa dạng văn hoá, ngôn ngữ, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững.
Việt Nam là thành viên của Pháp ngữ từ năm 1979 và đã tham gia đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của Cộng đồng, nhất là về thúc đẩy hợp tác kinh tế bên cạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, hợp tác nghị viện, thanh niên.
Với chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: cội nguồn hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ”, các nước tập trung nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế đa phương, trong đó có Pháp ngữ, trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng, thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề toàn cầu và trong không gian Pháp ngữ. Hội nghị cũng thảo luận về các thách thức mà Pháp ngữ đang phải đối mặt như bất ổn chính trị tại một số nước thành viên, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, di cư, nghèo đói, dịch bệnh…. kêu gọi Pháp ngữ dành nguồn lực hỗ trợ các nước thành viên trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp tại các diễn đàn đa phương quốc tế. Lãnh đạo các nước cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác, giải quyết hoà bình các tranh chấp thông qua đối thoại theo các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường, bình đẳng giới, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư cho thanh niên…
* Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có tiếp xúc song phương với Bộ trưởng một số nước và Trưởng đoàn dự Hội nghị. Các nước gửi lời chia buồn sâu sắc đến Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam về việc Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Mali Camara Kamissa, hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn Cấp cao nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Mali tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mali, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam đã đầu tư thành công ở một số nước châu Phi như viễn thông, nông nghiệp. Bộ trưởng Camara Kamissa cho biết Mali chủ trương đa dạng hoá quan hệ, nhất là với các nước Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Andorra Maria Ubach Font, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Maria Ubach Font đã trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau như trao đổi đoàn các cấp và giao lưu nhân dân, du lịch. Bộ trưởng Maria Ubach Font cho biết sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển du lịch và dịch vụ – thế mạnh kinh tế chủ chốt của Andora.
Trao đổi với Bộ trưởng Du lịch Li-băng Avedis Guidania, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh quá quan hệ hai nước trong những năm qua phát triển tốt đẹp, hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác, đề nghị Li-băng tạo điệu kiện thuận lợi tiếp nhận lao động Việt Nam vào Li băng như các nước Trung Đông khác. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ, nhất là thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, khuyến khích doanh nghiệp hai bên hợp tác, đầu tư vào thị trường của nhau, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Trong tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Haiti Bocchit Edmond, hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Bộ trưởng Bocchit Edmond khẳng định Haiti coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao Tổng công ty Viễn thông Viettel hoạt động thực chất, hiệu quả và có nhiều đóng góp về mặt xã hội và từ thiện tại Haiti, bày tỏ mong muốn và sẵn sang tạo điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, liên doanh tại Haiti. Hai bên cũng nhất trí cần tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong đó có việc xem xét ký kết hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hoá Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) bà Audrey Azoulay, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của UNESCO đối với Việt Nam những năm qua và bày tỏ mong muốn bà Tổng Giám đốc trên cương vị của mình tiếp tục ủng hộ Việt Nam
Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam – ứng cử viên duy nhất của nhóm Châu Á – Thái Bình Dương, làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Các nước đều ghi nhận và hứa xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam../.
Ý kiến ()