Pháp: Nền kinh tế EU hậu đại dịch cần các quy định mới về ngân sách
Theo ông Emmanuel Macron, Liên minh châu Âu cần ưu tiên trong phản ứng về kinh tế nhằm biến châu Âu trở thành một lục địa mạnh về sản xuất, đổi mới và tạo việc làm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần các quy định mới về ngân sách nhằm khuyến khích đầu tư hậu đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng khi thế giới nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ông Macron nói Pháp sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng Ba năm tới khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong sáu tháng kể từ ngày 1/1.
Theo ông Macron, EU cần ưu tiên trong phản ứng về kinh tế nhằm biến châu Âu trở thành một lục địa mạnh về sản xuất, đổi mới và tạo việc làm.
Ông Macron nói mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 10-11/3 năm tới là định hình mô hình tăng trưởng mới cho châu Âu. EU phải trở lại là khu vực sản xuất, đổi mới và tạo việc làm.
Ông Macron lấy mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách của Pháp xuống dưới mức 3% GDP theo quy định của EU là mấu chốt của chiến lược tăng trưởng kinh tế nhằm khôi phục tín nhiệm về tài chính của Pháp trước Đức.
Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát khiến EU nói chung và Pháp nói riêng phải thực hiện các chương trình kích thích kinh tế, nỗ lực đó bị gác lại. Vấn đề này lại nổi lên khi một số nước thành viên lo ngại nợ công gia tăng đe dọa đến đồng tiền chung.
Ông Macron nói vấn đề không phải là ủng hộ hay phản đối quy định về mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP mà là quy định này đã lỗi thời. EU cần các quy định mới về ngân sách và tài chính đáng tin cậy, đơn giản hóa và minh bạch.
Theo ông Macron, các quy định mới phải thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Một khía cạnh sẽ được thảo luận là liệu các biện pháp kích thích kinh tế của EU đã đủ hay chưa.
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư của các nước cũng cần được xác định có được phép theo quy định về ngân sách của EU hay không.
Ngoài ra, EU sẽ hướng tới một mức lương tối thiểu chung trong khu vực./.
Ý kiến ()