Pháp luật và cuộc sống: Phạm tội làm nhục người khác vì thiếu hiểu biết
Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo H.T.X, sinh năm 1998, trú tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương 3 năm tù giam về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, do bức xúc vì chị T.T.T, trú tại xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn mua hàng tại cửa hàng điện nước của gia đình nhưng nợ tiền, bị cáo H.T.X đã lên mạng xã hội tải ảnh rồi ghép ảnh của chị T.T.T với người yêu vào khung ảnh trên bàn thờ cùng đồ lễ, hoa quả, bát hương và đăng trên các trang Facebook để đòi nợ. Biết chuyện, chị T.T.T liên hệ với người nhà bị cáo H.T.X yêu cầu xóa bỏ ảnh. Mặc dù sau đó bị cáo H.T.X đã xóa bài viết trên mạng xã hội nhưng vẫn lưu hình ảnh cắt ghép trong điện thoại. Cảm thấy danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm, chị T.T.T đã dại dột uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Rất may, do được phát hiện, cấp cứu kịp thời, chị T.T.T đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Khi thực hiện việc ghép ảnh rồi tung lên các trang mạng xã hội cùng những lời lẽ phản cảm, có thể bị cáo H.T.X đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do thiếu hiểu biết. Thế nhưng, theo hội đồng xét xử, hành vi này đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của chị T.T.T, đặc biệt, đã dẫn đến hậu quả chị T.T.T tự tử, do vậy bị cáo đã phạm tội “Làm nhục người khác” và bị xử lý theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự. Trong cuộc sống hằng ngày, việc nảy sinh va chạm, mâu thuẫn, thậm chí “nặng lời” với nhau là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ trường hợp của bị cáo H.T.X cho thấy, mỗi người cần phải biết kiềm chế, cư xử đúng pháp luật để không vô tình phạm tội “Làm nhục người khác”, bởi ranh giới giữa lời nói, hành động khi mâu thuẫn mà không ít người cho rằng “bình thường” với hành vi phạm tội nhiều khi rất mong manh.
"Làm nhục người khác" là hành vi của một người có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể bằng lời nói (lăng mạ, sỉ nhục nơi đông người...) hoặc thông qua các hành động như: Nhổ nước bọt vào mặt, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông... Hiện nay, mạng xã hội phát triển, người có hành vi sử dụng hình ảnh người khác trái phép, đăng tải trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác cũng có thể phạm tội "Làm nhục người khác" hoặc tội “Vu khống".
Về hình thức xử phạt đối với tội "Làm nhục người khác", Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a) Phạm tội 2 lần trở lên; b) Đối với 2 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Mong rằng trường hợp của bị cáo H.T.X nói trên sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người để không vô tình vướng vào vòng lao lý.
Ý kiến ()