Pháp hỗ trợ Brazil điều tra vụ tai nạn máy bay ở Sao Paulo
Chính quyền tại Sao Paulo cho biết 3 điều tra viên người Pháp đã đến Brazil hỗ trợ nước này xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay thảm khốc mới xảy ra gần đây.
Ngày 11/8, Chính phủ Pháp đã cử 3 điều tra viên đến Brazil hỗ trợ nước này xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay thảm khốc mới đây ở Sao Paulo.
Tai nạn xảy ra lúc 13h30 ngày 9/8 theo giờ địa phương. Chiếc máy bay ATR-72 của hãng hàng không Voepass Linhas Areas (Brazil), khởi hành từ Cascavel (bang Parana) đến Guarulhos (Sao Paulo), đã bị rơi xuống một khu dân cư ở Vinhedo.
Toàn bộ 62 người trên máy bay thiệt mạng nhưng không có ai dưới mặt đất bị thương.
Máy bay ATR-72 do công ty liên doanh giữa Airbus của Pháp và Leonardo SpA của Italy chế tạo.
Chính quyền tại Sao Paulo cho biết 3 điều tra viên người Pháp làm việc tại Ủy ban An toàn hàng không dân dụng (BEA) của quốc gia châu Âu này.
Hiện hai động cơ của máy bay đã được đưa khỏi hiện trường vụ tai nạn để phục vụ điều tra.
Công ty dịch vụ khí tượng Metsul của Brazil cho biết đã ghi nhận báo cáo về tình trạng "đóng băng nghiêm trọng" ở Sao Paulo vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Các phương tiện truyền thông địa phương dẫn nguồn tin từ các chuyên gia cho hay tình trạng đóng băng có thể là nguyên nhân gây ra sự cố.
Các chuyên gia pháp y đang nỗ lực xác định danh tính các nạn nhân, bao gồm 34 nam và 28 nữ.
Thống đốc bang Parana, Ratinho Junior, cho biết trên máy bay có ít nhất 8 người là bác sỹ và 4 người là giáo sư tại trường Đại học Unioeste ở phía Tây bang này.
Thi thể của phi công Danilo Santos Romano và cơ phó Humberto de Campos Alencar e Silva là những người đầu tiên được xác định danh tính.
Theo hãng hàng không Voepass, phi công Romano được tuyển dụng vào tháng 11/2022 với vị trí cơ phó.
Ông có kinh nghiệm 5.202 giờ bay với Voepass, tất cả đều trên máy bay ATR, loại máy bay duy nhất mà hãng hàng không này khai thác.
Đây là vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trên thế giới kể từ tháng 1/2023 khi 72 người thiệt mạng trên chiếc máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines của Nepal.
Chiếc máy bay này, cũng là một chiếc ATR, đã bị "chết động cơ" và rơi khi đang hạ cánh. Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy nguyên nhân vụ việc là do lỗi của phi công./.
Ý kiến ()