Pháp dần lấy lại nhịp sống thường ngày
Tổng thống Emmanuel Macron.
Tổng thống Emmanuel Macron thông báo, từ ngày 15-6, nước Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại, các nhà trẻ, các trường tiểu học, trung học cơ sở, chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường trên cơ sở bắt buộc từ ngày 22-6 tới. Các quy định chặt chẽ về y tế được áp dụng trong các trường học.
Cũng từ ngày mai, tất cả các nhà dưỡng lão trên cả nước mở cửa trở lại, cho phép người nhà đến thăm người thân. Tổng thống Emmanuel Macron cũng xác nhận việc cho phép tổ chức vòng 2 cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào ngày 28-6 tới.
Bắt đầu từ ngày 15-6, mọi người có thể đi lại bình thường giữa các nước EU, sau đó từ ngày 1-7, có thể đi đến các nước ngoài EU, những nơi được kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Trước đó, Liên hiệp châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên mở lại biên giới sớm nhất vào ngày 15-6.
Tổng thống Emmanuel Macron nói: “Cuộc chiến chống đại dịch chưa kết thúc, nhưng tôi thấy rất vui với chiến thắng đầu tiên chống lại virus này. Tôi muốn nghĩ về những người không may qua đời, các nạn nhân và gia đình của họ…”.
Ông Emmanuel Macron cho biết, các cuộc tụ tập đông người cần phải được kiểm soát chặt chẽ vì đây chính là nguy cơ virus lây nhiễm mạnh và cảnh báo rằng “virus chưa thể biến mất, chúng ta sẽ còn phải sống với virus trong một thời gian dài”.
Theo ông Macron, Pháp đang bước vào một giai đoạn mới để tái thiết nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Ưu tiên hàng đầu là tái thiết một nền kinh tế mạnh mẽ, công bằng, sinh thái, dựa trên “sự đoàn kết”. Ông Macron cũng hứa hẹn nhiều khoản đầu tư để tạo việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, công nghiệp và nông nghiệp…
Đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mạnh mẽ, ông Macron cam kết sẽ không tăng thuế, nhưng “chúng ta phải làm việc và sản xuất nhiều hơn để không phụ thuộc”, xây dựng sự độc lập cho sự phát triển của nước Pháp. Đến nay, chính phủ Pháp đã huy động gần 500 tỷ euro hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như ngành ô-tô, hàng không, bệnh viện…; hỗ trợ những trường hợp khó khăn, thất nghiệp tạm thời, ngăn chặn tình trạng mất việc. Ông Macron nói rằng, ông muốn tránh người lao động bị sa thải “càng nhiều càng tốt”.
Liên quan các cuộc biểu tình chống kỳ thị và bạo lực cảnh sát diễn ra tại nước này, Tổng thống Emmanuel Macron phản đối việc kỳ thị chủng tộc và cho biết, sẽ có những biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với việc này. Ông nói: “Chúng ta là đất nước, nơi mọi người bất kể nguồn gốc, tôn giáo nào đều phải tìm thấy vị trí của mình…”.
Bài phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron đúng vào thời điểm Pháp sắp kết thúc “giai đoạn 2” việc dỡ bỏ phong tỏa trên toàn quốc. Như vậy, các hoạt động đời sống xã hội gần như trở lại bình thường sau hơn ba tháng thực hiện các biện Pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Giai đoạn 3 của việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ bắt đầu vào ngày 22-6 tới.
Ý kiến ()