Pháp có thể sớm vượt Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí số hai thế giới
Các thỏa thuận mua bán vũ khí với Ấn Độ và Qatar gần đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đang tăng tốc thuận lợi. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu vũ khí của Nga sụt giảm, dẫn đến suy đoán Pháp có thể sớm trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
France 24 cho hay, trung tuần tháng 7, New Delhi đã phê duyệt đơn đặt hàng gồm 6 tàu ngầm lớp Scorpène và 26 máy bay chiến đấu Rafale cho hải quân Ấn Độ. Hai tuần sau đó, tờ La Tribune của Pháp đưa tin Qatar đang xem xét bổ sung thêm 24 chiếc Rafale cho lực lượng không quân nước này.
Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, từ năm 2018 đến 2022, tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Pháp đã tăng lên 11% so với 7,1% trong giai đoạn 4 năm trước đó. Cùng thời kỳ, thị phần của Nga trong thương mại vũ khí quốc tế lại giảm từ 22% xuống còn 16%.
Theo ông Olivier Gras, Tổng thư ký EuroDéfense-France, một hiệp hội các quan chức dân sự và quân sự có trụ sở tại Paris, dòng máy bay chiến đấu Rafale do hãng Dassault Aviation của Pháp sản xuất đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công gần đây của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2002 nhưng phải đến năm 2015, chiếc Rafale mới được xuất khẩu lần đầu tiên. Đến nay, dòng máy bay này đang được Hy Lạp, Qatar, Ấn Độ, Ai Cập sở hữu và vận hành, đồng thời dự kiến sẽ sớm được đưa vào sử dụng tại Croatia, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất-quốc gia đã đặt hàng 80 chiếc Rafale F4 vào năm 2021.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngoài cùng, bên trái) đi qua một máy bay chiến đấu Rafale tại căn cứ không quân Mont-de-Marsan, Tây Nam nước Pháp, ngày 20-1-2023. Ảnh: AFP |
Hiện tại, số đơn đặt hàng máy bay chiến đấu Rafale trên toàn cầu đã đạt gần 500 chiếc, con số xấp xỉ 1/2 so với đối thủ cạnh tranh chính của nó ở Mỹ là dòng máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin. Một số thỏa thuận mới cũng đang trong quá trình đàm phán, gồm 16 chiếc Rafale cho Colombia và 12 chiếc cho Serbia-quốc gia vốn từng là khách “ruột” của ngành công nghiệp vũ khí Nga.
Tuy nhiên, ngoại trừ Hy Lạp và Croatia, Pháp không đạt được những thành tựu đáng kể trên thị trường vũ khí châu Âu mặc dù nhập khẩu vũ khí của châu lục này đã gia tăng đáng kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu. Các quốc gia châu Âu là thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dường như vẫn ưa chuộng dòng máy bay F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất hơn cả.
Cho dù thực tế là vậy, song năm 2021, Pháp vẫn đủ sức vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới. Còn năm 2022 ghi nhận Pháp đã tăng doanh số bán vũ khí lên 59% chỉ trong 10 năm-nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Nhà nghiên cứu cấp cao Pieter Wezeman của SIPRI nhận định, Pháp có thể vượt qua Nga trong xuất khẩu vũ khí do biết tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất quốc phòng trong bối cảnh Moscow đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây. “Ngành công nghiệp vũ khí của Pháp được Chính phủ hỗ trợ, đã thành công trong việc ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn… Đơn hàng xuất khẩu vũ khí của Pháp hiện tại lớn hơn đáng kể so với Nga. Điều này cho thấy, trong thập kỷ tới, xuất khẩu vũ khí của Pháp có thể vượt qua Nga”, The Guardian dẫn lời ông Wezeman.
Doanh số bán hàng và đơn đặt hàng vũ khí trong tương lai từ các quốc gia ở châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông tăng mạnh trong 5 năm qua là một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp. Tuy nhiên, làm thế nào để giành được chiến thắng “ngay trên sân nhà”, chiếm lĩnh được thị trường châu Âu, đó là bài toán hóc búa đối với không chỉ các tập đoàn công nghiệp quốc phòng mà còn cả với các chiến lược gia của Pháp.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()