Pháp chi 1,5 tỷ euro cho chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19
Ngày 3-12, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết chính phủ đã dự trù một khoản ngân sách an sinh xã hội lên tới 1,5 tỷ euro cho chương trình tiêm chủng toàn quốc với vaccine ngừa Covid-19. Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ diễn ra từ tháng 1-2021 cho khoảng một triệu người trong các nhà dưỡng lão.
Phát biểu trong cuộc họp báo về việc triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19, Thủ tướng Jean Castex cho biết, đây là chương trình tiêm chủng miễn phí và chi phí tiêm chủng được lấy từ quỹ an sinh xã hội. Chính phủ đã đặt mua 200 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho khoảng 67 triệu dân vì mỗi người cần được tiêm hai mũi cách nhau vài tuần.
Thủ tướng Jean Castex khẳng định, mục tiêu hàng đầu của chính phủ là bảo đảm có đủ vaccine cho người dân. Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ được thực hiện với hai loại vaccine đặt từ các hãng dược Pfizer/BioNtech và Moderna, dự kiến được bàn giao vào cuối tháng 12-2020 hoặc tháng 1-2021.
Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, gần một nửa số người ở Pháp cho biết họ chưa muốn tiêm chủng vì còn chưa rõ hiệu quả hay tác dụng phụ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định, việc tiêm chủng không phải là bắt buộc. Đề cập đến tâm lý e ngại của người dân, Thủ tướng Pháp cho rằng, tiêm chủng là để “bảo vệ chính mình và cả người khác” và chính phủ bảo đảm tính minh bạch trong việc lựa chọn vaccine hiệu quả và an toàn.
Bộ trưởng Y tế Oliver Véran cũng cho rằng, cần tiêm chủng để “chống lại những nỗi sợ hãi do dịch bệnh Covid-19”. Sau đợt tiêm vaccine đầu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất, giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng bắt đầu từ tháng 2 hoặc 3 cho khoảng 14 triệu người gồm những người cao tuổi, nhân viên y tế và những người có bệnh mãn tính. Giai đoạn cuối cùng dự kiến diễn ra trong khoảng ba tháng, từ tháng 4 cho toàn bộ số dân còn lại.
Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Pháp đều cho rằng, vaccine là “vũ khí quyết định” trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Do vaccine không có tác dụng ngay sau khi tiêm, các biện pháp chống lây nhiễm vẫn phải được duy trì như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.
Nhà miễn dịch học Alain Fischer, phụ trách chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Pháp, cho biết, có thể mất vài tháng mới biết liệu vaccine có thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus và chống lây nhiễm sang người khác.
Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, ngày 3-12, Pháp ghi nhận hơn 12 nghìn ca nhiễm mới và 324 ca tử vong trong bệnh viện. Tình hình dịch bệnh có chiều hướng đi xuống sau hơn một tháng phong tỏa. Số người nhập viện cũng như ca hồi sức cấp cứu nhưng vẫn ở mức cao so các nước trong khu vực.
Chính phủ Pháp có kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 15-12, rồi thiết lập lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế tối đa các cuộc tụ tập đông người vào buổi tối. Các khu trượt tuyết và nhà hàng vẫn phải đóng cửa trong dịp lễ cuối năm.
Dự kiến, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấp phép sử dụng vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNtech và Moderna vào ngày 29-12. Vaccine ngừa Covid-19 được phân phối cho các nước châu Âu theo giá đồng nhất và phân phối theo mức độ dân số của mỗi nước.
Ý kiến ()