Pháp áp dụng thẻ y tế bắt buộc từ ngày 21/7
Tối 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trực tiếp trên truyền hình, thông báo một số quy định mới trong đó có việc áp dụng thẻ y tế ở những nơi đông người, đồng thời tăng cường chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 để chặn đà lây lan của các biến thể mới và sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Sau hai tháng kể từ lúc tuyên bố dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, Tổng thống Pháp lại phải đưa ra một số quyết định mới nhằm ứng phó sự lây lan có xu hướng tăng nhanh trở lại do biến thể Delta. Đây là lần thứ bảy Tổng thống Pháp phát biểu trên truyền hình kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Pháp vào đầu năm 2020.
Theo Tổng thống Pháp, những nỗ lực của chính phủ cũng như các chính sách cứu trợ lên tới 100 tỷ euro đã bảo đảm hệ thống giáo dục, kinh tế và y tế không bị ngưng trệ, đồng thời hỗ trợ rất nhiều cho người lao động.
Các gói cứu trợ của Nhà nước đã giúp bảo vệ các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, duy trì sức mua của nhiều người Pháp, đồng thời là động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ.
Dự kiến tăng trưởng của Pháp sẽ đạt 6% trong năm 2021, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu.
Trước đó, báo chí Pháp đưa tin nói rằng bài phát biểu của Tổng thống trước ngày Quốc khánh 14-7 sẽ tập trung vào lộ trình cải cách trong 10 tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, như cải cách lương hưu gây tranh cãi suốt mấy năm qua.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh lại có xu hướng xấu đi trong mấy ngày gần đây do sự lây lan rất nhanh của các biến thể, nhất là Delta và có nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ 4 vào mùa thu. Vì vậy, trọng tâm của bài phát biểu của ông E. Macron là các biện pháp chống dịch trong mấy tháng tới.
Tổng thống Pháp kêu gọi người dân tích cực tham gia chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 và cho rằng việc tiêm vaccine là trách nhiệm bắt buộc của tất cả người dân tại Pháp.
Tất cả nhân viên ở các bệnh viện tư và công, các phòng khám, nhà dưỡng lão, cơ sở y tế… bắt buộc phải tiêm vaccine.
Một dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối tháng 7. Kể từ ngày 15-9, việc kiểm tra sẽ bắt đầu. Những trường hợp không tuân thủ sẽ bị phạt và không được đi làm.
Còn trường học cấp 2 và 3 sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vào đầu năm học tới. Từ mùa thu, xét nghiệm PCR sẽ không còn miễn phí, trừ trường hợp có đơn của bác sĩ nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng thay vì xét nghiệm.
Thẻ y tế (xác nhận việc tiêm phòng, kết quả xét nghiệm PCR âm tính dưới 48 giờ) sẽ được áp dụng bắt buộc từ ngày 21-7 đối với các cơ sở văn hóa và giải trí có trên 50 người. Hiện nay chỉ áp dụng cho các sự kiện có hơn 1.000 người tham dự và hộp đêm.
Chỉ những ai có xác nhận tiêm vaccine hay xét nghiệm âm tính dưới 48 giờ mới có thể có mặt ở những nơi này. Từ đầu tháng 8, quy định này sẽ được áp dụng cho các quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm, trên tàu và máy bay cũng như ở bệnh viện và các nhà dưỡng lão.
Bắt đầu từ tuần này, kiểm soát biên giới sẽ được thắt chặt đối với những người đến từ các nước có nguy cơ, trong đó có quy định cách ly bắt buộc đối với du khách chưa được tiêm phòng.
Tổng thống E. Macron cho biết, Pháp tiếp tục hỗ trợ các nước còn khó khăn trong việc ứng phó dịch bệnh và tình hình dịch bệnh còn khó lường với khả năng xuất hiện các biến thể mới. Vì vậy, việc tiêm vaccine là yếu tố quan trọng để chặn đà lây lan của dịch bệnh, được dự báo sẽ kéo dài đến năm sau.
Đề cập đến kế hoạch phục hồi kinh tế, Tổng thống E. Macron cho biết nước Pháp sẽ sớm đạt mục tiêu tự chủ về sản phẩm và công nghệ để không bị lệ thuộc vào nguồn sản xuất từ nước ngoài.
Về cải cách lương hưu bị đình chỉ từ khi có dịch, Tổng thống Pháp cho biết dự luật này sẽ được khởi động trở lại ngay khi các điều kiện sức khỏe cho phép, dự kiến vào đầu tháng 10, nhằm xây dựng một hệ thống “đơn giản hơn và công bằng hơn” do hiện có tới 42 chế độ khác nhau. Vì vậy phải cải cách để loại bỏ các chế độ đặc biệt và việc cải cách sẽ được thực hiện dần dần trong vài năm.
Tính tới ngày 12-7, có hơn 35,5 triệu người ở Pháp đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất và gần 27 triệu người được tiêm mũi thứ hai kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 27-12-2020. Sau một thời gian giảm mạnh, số ca nhiễm tại Pháp lại tăng lên rất nhanh từ hơn 2 nghìn tới hơn 4 nghìn/ngày, chủ yếu là do biến thể Delta.
Bộ trưởng Y tế Oliver Véran cảnh báo, nếu không hành động ngay, số ca nhiễm mới có thể tăng lên đến 20 nghìn/ngày vào đầu tháng 8. Còn Giáo sư Jean-François Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, cơ quan tư vấn cho Chính phủ Pháp về chiến dịch ngừa Covid-19, nhận định rằng làn sóng dịch tấn công Pháp sau kỳ nghỉ hè là “khó tránh,” nhưng có thể dịch sẽ không nặng bằng những đợt trước.
Trước tình hình đó, thay vì thông báo kế hoạch cải cách trong 10 tháng còn lại của nhiệm kỳ, Tổng thống E. Macron phải tập trung vào các biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Đây là ưu tiên của Tổng thống Pháp trong những tuần tới nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới, có thể tác động tiêu cực đến công cuộc tái thiết kinh tế và cản trở tham vọng cải cách trong thời gian cuối nhiệm kỳ, trong đó có cải cách lương hưu.
Trước đó, “chứng nhận y tế châu Âu” có hiệu lực từ ngày 1-7. Đây là chứng nhận y tế được cấp miễn phí cho những người đáp ứng đủ yêu cầu về tiêm vaccine hay xét nghiệm âm tính với virus corona được công nhận tại 27 nước thành viên EU. Mục đích là giúp người dân trong EU di chuyển thuận lợi, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch.
Riêng tại Pháp, từ ngay 7-7, du khách nước ngoài khi làm xét nghiệm Covid-19 sẽ phải trả phí 49 euro/lần xét nghiệm PCR và 29 euro cho một lần xét nghiệm kháng nguyên.
Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, đây là biện pháp “có đi có lại” vì nhiều người Pháp đi du lịch phải trả phí ở những nước áp dụng quy định trả phí xét nghiệm.
Ý kiến ()