Pháp - Anh căng thẳng về quyền đánh bắt cá
Pháp sẽ không loại trừ khả năng cắt điện trên đảo Jersey thuộc quần đảo Channel tự trị nằm giữa nước này với Anh. Động thái trên của Paris nhằm đáp trả việc London áp đặt các quy định mới về quyền tiếp cận của tàu đánh cá Pháp đối với những vùng biển gần quần đảo Channel.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 3 ngày 9-5, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal tuyên bố, Paris có thể “đáp trả” nếu London không thực hiện các thỏa thuận sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-còn gọi là Brexit-về quyền đánh bắt cá. Một trong những biện pháp được ông Attal nhắc tới là khả năng cắt nguồn cung điện cho đảo Jersey. “Chúng tôi muốn các thỏa thuận được tôn trọng. Nếu chúng không được thực hiện, các biện pháp trả đũa có thể sẽ được đưa ra”, ông Attal nhấn mạnh.
Tàu đánh cá của Pháp biểu tình bên ngoài cảng Saint Helier hôm 6-5. Ảnh: AFP. |
Quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây trở ngại lớn trong tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1-1-2021. Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác.
Liên quan đến quyền đánh bắt cá, thỏa thuận hậu Brexit quy định một giai đoạn chuyển tiếp cho đến mùa hè năm 2026, thời điểm ngư dân châu Âu sẽ từ bỏ 25% sản lượng đánh bắt trong vùng biển của Anh. Ngư dân châu Âu duy trì việc tiếp cận khu vực được bảo đảm, cách bờ biển Anh từ 6 đến 12 hải lý. Tuy nhiên, để có được sự cho phép này, các tàu đánh cá châu Âu phải chứng minh với chính quyền Anh rằng họ đã hoạt động ở khu vực này trong giai đoạn tham chiếu 2012-2016.
Căng thẳng nổi lên giữa Anh và Pháp trong những ngày gần đây sau khi các ngư dân Pháp phàn nàn về việc London chậm chạp trong việc cấp giấy phép đánh cá ở ngoài khơi đảo Jersey thuộc Anh nhưng về mặt địa lý gần với bờ biển Pháp hơn. Theo Paris, London mới đây công bố danh sách 41 tàu của Pháp, trong tổng số 344 tàu yêu cầu, được phép đánh cá ở vùng biển Jersey, nhưng danh sách này kèm theo các quy định mới chưa được thảo luận với EU như một phần của thỏa thuận hậu Brexit.
Căng thẳng leo thang sau khi khoảng 60 tàu đánh cá Pháp biểu tình bên ngoài cảng Saint Helier thuộc đảo Jersey hôm 6-5. London phản ứng lại bằng cách triển khai tàu tuần tra tới các khu vực, khiến Paris cũng có động thái tương tự. Trong một tuyên bố, Chính phủ Pháp đã chỉ trích việc Anh ban hành quy định mới mà không thông báo tới Ủy ban châu Âu (EC) như quy định trong thỏa thuận Brexit. Paris nêu rõ, quy định mới một khi không được thông báo đến EC đều không có hiệu lực.
Về phần mình, người phát ngôn EC Vivian Loonela cho biết, giới chức châu Âu đã làm việc nghiêm túc với Chính phủ Anh để giải quyết vấn đề này. Bà Loonela nhấn mạnh, mọi thay đổi cần phải được thông báo kịp thời để các bên liên quan có đủ thời gian để đánh giá hoặc thích nghi. Ngoài ra, mọi thay đổi không được phép phân biệt đối xử với ngư dân các nước thành viên EU.
Đáp lại, nhà chức trách trên đảo Jersey khẳng định, đây không phải là lần đầu tiên Pháp lên tiếng đe dọa Jersey kể từ khi thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU được thông qua. Trong khi đó, ngư dân Anh cũng đang bày tỏ sự không hài lòng trước hành động khiếu nại của các ngư dân Pháp. Trong chương trình truyền hình ITV “Chào buổi sáng nước Anh”, ông Don Thompson, Chủ tịch Hiệp hội ngư dân Jersey khẳng định, sẽ thật bất công nếu Chính phủ Anh “đầu hàng” trước những đòi hỏi vô lý từ phía EU nói chung và Pháp nói riêng.
Ý kiến ()