"Phao cứu sinh" của ngư dân nơi biển xa
– Đánh bắt thủy hải sản xa bờ, ngư dân luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bất trắc. Giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân những lúc khó khăn, đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa từ lâu đã trở thành “phao cứu sinh” cho bà con khi đánh bắt trên biển khơi xa.
Những ngày đầu tháng 4, âu tàu đảo Sinh Tồn tấp nập những chuyến tàu vào ra. Hàng chục tàu cá neo đậu nghỉ trăng trong âu. Một số tàu xếp hàng chờ sửa chữa máy móc và tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn giúp Tàu QNg 96372 TS khắc phục sự cố
Ngư dân Võ Minh Vương quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là thuyền trưởng Tàu QNg 96372 TS. Tàu đang khai thác hải sản trên khu vực biển Trường Sa thì bị hỏng máy. Thuyền trưởng Vương cùng ngư dân trên tàu khắc phục tạm thời sau đó đưa tàu về Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật đảo Sinh Tồn để sửa chữa. Sau khi những kỹ thuật viên của Trung tâm khắc phục thành công sự cố, Tàu QNg 96372 TS tiếp nhận bổ sung nước ngọt miễn phí, mua thêm dầu DO và làm công tác chuẩn bị rời âu tàu tiếp tục đi đánh bắt hải sản.
Thuyền trưởng Võ Minh Vương chia sẻ: “Đánh bắt dài ngày trên biển, chúng tôi rất cẩn thận nhưng không thể tính hết được những sự cố có thể xảy ra. Những lúc hỏng hóc nặng thế này thì rất khó khăn, may mà có cán bộ, nhân viên trung tâm giúp đỡ không chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào”.
Nhiều năm làm ăn, sinh sống trên ngư trường Trường Sa, ông Lê Thăng Sinh, chủ Tàu QNg 92909 TS cùng các bạn tàu thường ghé vào đảo Sinh Tồn mỗi khi có việc cần thiết. Ông Lê Thăng Sinh kể: “Trước đây đi gần 1 tháng là phải về bờ để lấy dầu, nước ngọt và đồ ăn, giờ đi vài tháng mới về bờ một lần, cứ vào âu tàu là có hết. Nước ngọt thì miễn phí, dầu mỡ, hàng hóa giá như trong bờ. Tàu bè mà có hỏng hóc thì cũng miễn công sửa chữa luôn”.
Đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo Sinh Tồn, những khi đau ốm, ngư dân thường vào đảo nhờ các y, bác sĩ giúp đỡ. Tại đây, ngư dân được thăm khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí.
Trao đổi về hoạt động của trung tâm, Đại úy Lê Văn Hiệu, Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Hải đoàn 129 cho biết: “Ngư dân vào âu tàu để tránh gió, bão, khi tàu thuyền gặp sự cố hoặc khi có người đau ốm, tai nạn lao động. Mỗi khi gặp khó khăn, bất trắc, ngư dân luôn được hỗ trợ tận tình của cán bộ, nhân viên trung tâm, không kể thời gian cũng như tình hình thời tiết trên biển. Cũng chính vì vậy mà con ngư dân và anh em ở đây gần gũi như người trong nhà vậy”.
Trong quá trình các tàu vào tránh trú, bổ sung nhiên liệu, lương thực thực phẩm, cán bộ, nhân viên Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã cấp phát tài liệu, tuyên truyền, vận động ngư dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU). Cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tích cực vận động bà con lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không dùng dụng cụ đánh bắt thủy hải sản tận diệt, không vi phạm pháp luật…
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải cho biết: Cùng với việc hỗ trợ giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về thủy sản; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, góp phần gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.
Giữa mênh mông biển trời, những ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống giờ đây thêm vững lòng. Không chỉ tại đảo Sinh Tồn, những âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa đã và đang phát huy tốt các công năng hiện có. Đây không chỉ là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là nơi tránh trú an toàn, là “phao cứu sinh” giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc từ bao đời nay.
Trên huyện đảo Trường Sa hiện nay có 4 âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật nghề cá trên các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây cùng 2 làng chài tại đảo Tốc Tan và Núi Le. Trong đó âu tàu, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-kỹ thuật nghề cá trên đảo Đá Tây do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Các âu tàu và làng chài còn lại do Hải đoàn 128 và 129 thuộc Quân chủng Hải quân quản lý và điều hành |
Ý kiến ()