Phân vùng mức sinh trong thực hiện chiến lược dân số
Nhằm đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh, Bộ Y tế phân chia 63 tỉnh, thành phố thành ba vùng mức sinh để từ đó có những giải pháp phù hợp. Đây sẽ là tiền đề xây dựng chính sách nhằm triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch… tiến tới đạt mục tiêu chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Theo phân vùng của Bộ Y tế, vùng có mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố; vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố; vùng đạt mức sinh thay thế gồm chín tỉnh, thành phố. Các chuyên gia nhận định, với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng trên cả nước, việc các tỉnh, thành phố được xác định thuộc vùng mức sinh nào là một trong những tiêu chí quan trọng, làm cơ sở cho định hướng xây dựng các chính sách, chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần thực hiện thành công chương trình điều chỉnh mức sinh cũng như chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực Đông – Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện…
Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như mức sinh giữa các vùng có sự chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố và tiếp tục có xu hướng giảm sâu hơn nữa. Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Hoàng Lan, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, mức sinh khi đã giảm sâu dưới mức thay thế sẽ rất khó tăng trở lại. Trong khi đó, mức sinh cao làm dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc các tỉnh, thành phố được xác định thuộc vùng mức sinh nào là một trong những tiêu chí quan trọng làm cơ sở cho định hướng xây dựng các chính sách dân số. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất cho cả hiện nay và cả sau này. Xác định thuộc vùng mức sinh nào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng làm cơ sở cho định hướng xây dựng các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 chứ không chỉ riêng cho thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh. Việc phân loại để có những chính sách, chương trình điều chỉnh phù hợp sẽ giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.
Đáng chú ý, các địa phương cần thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con ở những địa phương có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đạt mức sinh thay thế và sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Cụ thể, ở địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành để các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên. Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của địa phương để thực hiện cuộc vận động “dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Ở địa phương đã đạt mức sinh thay thế, căn cứ tình hình thực tế, rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; đề xuất ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Đối với những tỉnh có mức sinh thấp, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con; đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba.
Ý kiến ()