Phản ứng quốc tế sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1
Ngày 24/11, Iran và nhóm P5 1 (gồm: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt.
Ngày 24/11, Iran và nhóm P5 1 (gồm: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức)đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận này đã được dư luận thế giới đón nhận và đánh giá là mở ra một “cách tiếp cận mới” giúp giải quyết những bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran bằng giải pháp hòa bình.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton (thứ 3 từ trái qua phải) phát biểu trước đại diện các nhóm P5 1 và Iran tham gia đàm phán ở Geneva |
Cho đến nay, nội dung đầy đủ của bản thỏa thuận trên vẫn chưa được công bố, song thông báo do Nhà Trắng đưa ra ngày 24/11 cho biết, Mỹ và các nước đồng minh sẽ nới lỏng gói trừng phạt trị giá 7 tỷ USD để đổi lấy việc Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng 6 tháng và trung hòa kho dự trữ lượng uranium làm giàu ở mức gần 20% bằng các phương pháp pha loãng hoặc chuyển đổi. Bên cạnh đó, Iran đã cam kết sẽ không lắp thêm các máy li tâm mới, ngừng công việc tại lò phản ứng plutonium Arak, đồng thời cho phép các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận với hai cơ sở hạt nhân Natanz và Fordow.
Các nhà ngoại giao cho rằng, sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký và đưa vào thực hiện, Iran và nhóm P5 1 sẽ tiếp tục đàm phán về các thỏa thuận toàn diện tiếp theo nhằm đảm bảo Tehran không chế tạo vũ khí hạt nhân. Lâu nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình và Tehran không có ý định chế tạo các loại vũ khí hạt nhân như phương Tây quan ngại.
Ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán ngày 24/11, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), kiêm trưởng đoàn đàm phán của nhóm P5 1, bà Catherine Ahston khẳng định, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5 1 đã tạo ra “không gian và thời gian” cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm hướng tới một giải pháp toàn diện cho chương trình hạt nhân vốn gây nhiều tranh cãi của Iran.
Trên trang cá nhân của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ngày 24/11 đã bày tỏ hoan nghênh bản thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5 1. Nhà lãnh đạo này khẳng định rằng, những nỗ lực không mệt mỏi của đoàn đàm phán Iran cuối cùng đã mang lại kết quả và “mở ra một chân trời mới” cho đất nước này.
Trở về từ vòng đàm phán được đánh giá là “thành công” từ Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng kiêm trưởng đoàn đàm phán Iran Javad Zarif đã được đông đảo người dân Iran chào đón như một vị anh hùng với rất nhiều cờ và hoa. Điều đó cho thấy kết quả vòng đàm phán ngày 24/11 đã thỏa mãn được sự trông đợi của người dân Iran sau nhiều năm họ phải sống trong mệt mỏi vì các biện pháp siết chặt trừng phạt và cô lập của phương Tây.
Phát biểu trước báo giới ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và phương Tây được thông qua, ông Zarif cho biết, đây chỉ là “một sự khởi đầu” và các bên cần từ bỏ một quá khứ đầy rẫy các bất đồng để bắt đâu tiến trình khôi phục niềm tin. Trong bài trả lời trên truyền hình, ngày 24/11, ông Zarif cho biết, trước mắt, chính quyền Tehran sẽ sẵn sàng để khởi động các vòng đàm phán về một giải pháp cuối cùng cho chương trình hạt nhân của Iran và trong một vài tuần tới, chính quyền Tehran sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 1 của bản thỏa thuận vừa được thông qua với các nước phương Tây.
Trong một tuyên bố ra ngày 24/11, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5 1 và coi đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết một hồ sơ hạt nhân hóc búa nhất ở khu vực Trung Đông. Bản tuyên bố của ông Amano có đoạn viết: “Thỏa thuận mới nhất giữa Iran và nhóm P5 1 về kế hoạch hành động chung trong vòng 6 tháng tới là một bước đi quan trọng khác, tiếp theo sau thỏa thuận được Iran và IAEA thông qua sau các vòng đàm phán tại Tehran ngày 11/11…Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc sẵn sàng thực thi vai trò của mình trong việc xác minh tiến trình hoàn tất các thủ tục liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, trong cùng ngày, đã chúc mừng các nhà đàm phán “vì tiến triển đạt được này vốn có thể dẫn tới sự khởi đầu của một thỏa thuận mang tính lịch sử đối với các dân tộc cũng như các quốc gia ở Trung Đông và ngoài khu vực”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì khẳng định “ai cũng có lợi” trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, nội dung cơ bản của thỏa thuận phù hợp với quan điểm về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nêu rõ “cần thừa nhận quyền phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran, trong đó quyền làm giàu uranium”. Cũng theo ngoại trưởng Lavrov, tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA và trong vòng 6 tháng tới, các bên sẽ tích cực đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trong thời gian này, Iran sẽ ngừng xây dựng lò phản ứng tại Arak đồng thời chấp thuận tiến hành một loạt biện pháp thanh sát bổ sung của IAEA.
Ngoại trưởng Anh David Cameron, ngày 24/11 cho rằng, thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5 1 vừa thông qua tại Geneva là một “bước đi quan trọng đầu tiên” và cần được các bên tôn trọng đầy đủ. Theo quan điểm của ông Cameron, thỏa thuận quốc tế này sẽ khiến Iran lùi xa khỏi mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5 1. Cho rằng, bản thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm hướng tới con đường ngoại giao, giải quyết những bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran.
Bản tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ: “Thỏa thuận này sẽ giúp duy trì hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế cũng như bảo đảm sự ổn định tại khu vực Trung Đông. Bản thỏa thuận sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa Iran và các nước trên thế giới, đồng thời giúp cải thiện đời sống của người dân Iran. Bản thỏa thuận hiện đang được tất cả các bên có liên quan cân nhắc kỹ lưỡng và vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay là hoàn tất văn kiện quan trọng này…Những điều khoản được nêu lên trong bản thỏa thuận cần được triển khai trong thời gian sớm nhất. Tất cả các bên có liên quan cần thực thi nghĩa vụ của mình và các bên cần sớm triển khai một vòng đàm phán mới nhằm đưa ra một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran”.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry cũng hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5 1, song cho rằng đây chỉ là “một bước khởi đầu”. Phát biểu trước báo giới trước khi tham gia phiên họp với người đồng cấp Anh William Hague ở thủ đô London (Anh), ông Kerry nói: “Giờ là thời điểm bắt đầu một công đoạn thực sự khó khăn nhằm tiến tới một thỏa thuận toàn diện, yêu cầu những bước đi mạnh mẽ nhằm bảo đảm tính minh bạch, có thể đảo ngược và tin cậy liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran”.
Tại Mỹ, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, hiện chưa biết thời điểm ông Obama đưa ra bài phát biểu trên.
Ngay trong ngày 24/11, ông Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để kêu gọi sự “đồng cảm” của nhà lãnh đạo này trước bản thỏa thuận vừa được ký kết giữa Iran và nhóm P5 1. Trong cuộc điện đàm trên, ông Obama cho rằng ông Netanyahu có “lý do hợp lý” để quan ngại về những ý đồ phát triển hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, bản thỏa thuận ngày 24/11 sẽ ngăn cản khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và các nước trong nhóm P5 1 sẽ tiếp tục nỗ lực vì một giải pháp hòa bình toàn diện cho vấn đề này.
Theo CPV
Ý kiến ()