Phản ứng khác nhau về chính sách mới của Mỹ ở Trung Ðông và Bắc Phi
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, ngày 19-5, đã có bài phát biểu mang tên "Mùa xuân A-rập" tại Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nóng bỏng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trong thời gian 45 phút, Tổng thống Ô-ba-ma nhận định về những sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời đưa ra chính sách của nhà cầm quyền Mỹ về khu vực này, mà theo ông "tương lai của Mỹ giờ đây phụ thuộc vào khu vực Trung Đông-Bắc Phi".Ông Ô-ba-ma thừa nhận rằng, chính sách trước đây của Mỹ là một chiến lược 'chỉ dựa trên những theo đuổi lợi ích hạn hẹp' và việc Mỹ thất bại trong thay đổi cách tiếp cận này đang làm sự chia rẽ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ngày càng sâu sắc hơn. Tổng thống Mỹ cũng lần đầu tiên công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin thông qua việc thành lập một nhà nước Pa-le-xtin phi quân sự dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967. Đây là lần thứ hai trong ba năm qua, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đưa ra một số biện...
Ông Ô-ba-ma thừa nhận rằng, chính sách trước đây của Mỹ là một chiến lược 'chỉ dựa trên những theo đuổi lợi ích hạn hẹp' và việc Mỹ thất bại trong thay đổi cách tiếp cận này đang làm sự chia rẽ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ngày càng sâu sắc hơn. Tổng thống Mỹ cũng lần đầu tiên công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin thông qua việc thành lập một nhà nước Pa-le-xtin phi quân sự dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967. Đây là lần thứ hai trong ba năm qua, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đưa ra một số biện pháp điều chỉnh chính sách và quan hệ của Oa-sinh-tơn đối với các nước khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo, nhằm tránh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo.
Dư luận khu vực và thế giới đã và đang có những phản ứng khác nhau về bài phát biểu ngày 19-5 của Tổng thống Mỹ. Đối với những nước liên quan trực tiếp, chính quyền I-xra-en lập tức có những phản ứng mạnh mẽ, bác bỏ đề xuất thành lập nhà nước Pa-le-xtin độc lập theo đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Trong cuộc gặp kéo dài gần hai giờ tại Nhà trắng với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu ngày 20-5, Tổng thống Ô-ba-ma cho biết, đã có cuộc nói chuyện 'dài và cực kỳ hữu ích', nhưng thừa nhận hai bên có nhiều bất đồng về tiến trình hòa bình Trung Đông. Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cho rằng, nếu việc I-xra-en từ bỏ toàn bộ Bờ Tây, trong đó có thành phố Giê-ru-xa-lem, và cao nguyên Gô-lan, sẽ đẩy các đường biên giới của I-xra-en vào thế 'không thể phòng thủ'. Thủ tướng I-xra-en tuyên bố I-xra-en không thể đàm phán với một Chính phủ Pa-le-xtin được Ha-mát hậu thuẫn. Ông cho rằng, Chính phủ Mỹ không hiểu về các vấn đề mà Ten A-víp đang phải đối mặt. Một quan chức I-xra-en tháp tùng Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu thăm Mỹ bình luận: 'Có một cảm giác rằng Oa-sinh-tơn không hiểu thực tế và không hiểu chúng tôi đang phải đối mặt với điều gì'.
Phía Pa-le-xtin bày tỏ hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Ô-ba-ma. Tổng thống M. Áp-bát đã hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Ô-ba-ma nhằm nối lại các cuộc đàm phán giữa Pa-le-xtin và I-xra-en, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng I-xra-en và Pa-le-xtin sẽ sớm đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng trong thời gian tới. Nhà thương thuyết hàng đầu của Tổng thống Pa-le-xtin, ông Xa-ép Ê-rê-cát nêu rõ, tuyên bố từ chối quay lại đường biên giới năm 1967, ông Nê-ta-ni-a-hu đã không còn là một đối tác của tiến trình hòa bình. Ông Nê-ta-ni-a-hu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thất bại của tiến trình hòa bình và nỗ lực của Tổng thống Ô-ba-ma. Người phát ngôn của Phong trào Hồi giáo Ha-mát tuyên bố, quan điểm của ông Nê-ta-ni-a-hu chứng tỏ việc thương lượng với I-xra-en là vô nghĩa. Phong trào Ha-mát kêu gọi Tổng thống Mỹ phải có những hành động cụ thể chứ không phải chỉ hô hào bảo vệ các quyền lợi của người Pa-le-xtin.
Nhóm 'Bộ tứ' gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, đã ra tuyên bố, nêu rõ các thành viên của nhóm nhất trí rằng cách tiếp cận dựa trên cơ sở lãnh thổ và an ninh sẽ tạo nền tảng để I-xra-en và Pa-le-xtin đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột thông qua các cuộc đàm phán thực chất, nghiêm túc và thỏa thuận chung về mọi vấn đề trọng yếu. Nhóm 'Bộ tứ' một lần nữa kêu gọi các bên vượt qua những rào cản hiện nay và nối lại tiến trình đàm phán song phương trực tiếp mà không trì hoãn hay đưa ra các điều kiện tiên quyết.
Tại Mỹ, các quan chức Nhà trắng đã có một cuộc tranh luận về việc có nên đưa đề xuất đường biên giới năm 1967 vào bài phát biểu của Tổng thống Ô-ba-ma hay không. Có ý kiến phản đối và cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp cho một đề xuất như vậy. Nhưng các quan chức phụ trách tình hình Trung Đông đánh giá bài phát biểu của Tổng thống Ô-ba-ma đưa ra vào thời điểm này là 'khoảnh khắc của sự thật'. Cựu Hạ nghị sĩ Mỹ Rô-bớt Uếch-lơ và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình hình Trung Đông Đa-ni-en A-bra-ham nhận xét, việc lần đầu một Tổng thống Mỹ công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967 đã giúp giới lãnh đạo của cả hai quốc gia Trung Đông này đưa ra được quyết định trên cơ sở hai bên cùng có lợi và phù hợp quan điểm của Mỹ. Ông Uếch-lơ cho rằng, với chính sách trên, Tổng thống Ô-ba-ma đã tạo cho người dân I-xra-en và Pa-le-xtin một tương lai rộng mở và an toàn.
Cựu cố vấn về các vấn đề Trung Đông thuộc Hội đồng Tình báo quốc gia, ông Xti-phơn Cô-hen nhận định, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ công bố một chính sách nghiêm túc đối với Trung Đông kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, ông Cô-hen nói 'không dễ để thực hiện những cam kết của Tổng thống Ô-ba-ma'. Ông Hơ-men Kên, ứng cử viên Tổng thống của đảng CH đã lên tiếng chỉ trích chính sách Trung Đông mới của Tổng thống Ô-ba-ma, cho rằng việc kêu gọi I-xra-en và Pa-le-xtin giải quyết tranh chấp biên giới dựa trên các đường ranh giới năm 1967 là 'đẩy những người bạn của mình (I-xra-en) xuống gầm ô- tô'.
Nhiều nhà phân tích A-rập có chung nhận xét là, bài phát biểu về Trung Đông và Bắc Phi của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma rất gây ấn tượng, nhưng được đưa ra quá muộn và không đầy đủ, phản ánh nỗi lo ngại và sự lúng túng của Oa-sinh-tơn về 'cuộc nổi dậy A-rập'. Ông Ê-mát Gát, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính trị An A-hơ-ram ở Cai-rô cho rằng, các nhà hoạt động nhân quyền có cái nhìn tiêu cực về ông Ô-ba-ma, bởi Oa-sinh-tơn từng phản đối cuộc nổi dậy ở Ai Cập. Ông Gát cho rằng, bài phát biểu của ông Ô-ba-ma sẽ chẳng làm người khác thay đổi cách nhìn về ông ta. Ông Sa-di Ha-mít tại Trung tâm Brookings ở Ca-ta cho biết, ban lãnh đạo và các nhà cải cách A-rập 'sẽ không thích' bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma. Kiểu của Ô-ba-ma là 'làm mọi người hy vọng để rút cuộc họ thất vọng'.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp cấp cao để xem xét các thỏa thuận đã ký với I-xra-en và những vấn đề liên quan tới tiến trình hòa bình. Tổng thống Áp-bát kêu gọi I-xra-en cũng làm tương tự để đem lại cho tiến trình hòa bình một cơ hội xứng đáng. Tổng thống Áp-bát cũng quyết định tổ chức một cuộc họp khẩn cấp khác để tham vấn các nước A-rập về bài diễn văn của ông Ô-ba-ma. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ I-xra-en ngày 20-5 đã lập tức thông qua kế hoạch xây dựng hơn 1.500 ngôi nhà định cư ở Đông Giê-ru-xa-lem, trong đó có 620 căn nhà tại khu định cư Pi-xgát Gíp và 900 căn nhà khác ở khu định cư Ha Hô-ma. Kế hoạch này của Ten A-víp bị chính quyền Pa-le-xtin cực lực phản đối và xem nó là cản trở chính đối với cuộc đàm phán song phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()