Phản ứng của các bên sau đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1
Ngày 6/4, cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa Nhóm P5 1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran tại Anmatư (Almaty -Cadắcxtan) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về cách tiếp cận chung cũng như chưa đưa ra được lịch biểu cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Ngày 6/4, cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa Nhóm P5 1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran tại Anmatư (Almaty -Cadắcxtan) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về cách tiếp cận chung cũng như chưa đưa ra được lịch biểu cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Trong khi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Cathơrin Astơn (Catherine Ashton), tuyên bố quan điểm của hai bên vẫn “khác biệt về chất”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Xécgây Riápcốp (Sergei Ryabkov) cho rằng Iran cùng Nhóm P5 1 đã có một bước tiến trong đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Têhêran, dù không đạt được thỏa hiệp. Theo quan chức này, hai bên vẫn bất đồng về những vấn đề cơ bản liên quan đến cách thức hướng tới một giải pháp. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết cuộc đàm phán vừa qua khác với 4 cuộc đàm phán trước đó vì thực chất hơn và liên quan tới những nhân nhượng, trao đổi giữa hai bên. Quan chức Mỹ này nhận định tiến trình thương lượng trong tương lai sẽ tiếp tục theo dạng như vậy hoặc một vài dạng khác và dù không đạt được đột phá ở Anmatư nhưng cũng “không có sự đổ vỡ nào”. Còn trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Uyliam Hagơ (William Hague) nói rằng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các bên và quan điểm hiện tại của Iran còn “cách xa” những điều kiện để có thể đạt được một đột phá trong đàm phán. Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Xaét Gialili (Saeed Jalili) nhấn mạnh các cường quốc thế giới cần phải giành được niềm tin của người dân Iran trong tiến trình thương lượng về chương trình hạt nhân, kêu gọi các bên đàm phán có thái độ thích hợp. Theo ông Gialili, các cường quốc “phải thể hiện thiện chí và sự thành thật cũng như cư xử thích hợp trong tương lai”. Ông nhận định cuộc đàm phán vừa qua “thực chất, bao quát và toàn diện”, song cũng nhấn mạnh quyền làm giàu urani (uranium) là một quyền “không thể nhượng bộ” của người dân Iran. Trong khi đó, Ixraen tuyên bố đã đến lúc các cường quốc thế giới thông qua một quan điểm “cứng rắn hơn” đối với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Têhêran. Bộ trưởng Tình báo và các vấn đề chiến lược của Ixraen, Yuvan Xtâynít (Yuval Steinitz) lặp lại quan điểm rằng Iran “đang tranh thủ các vòng đàm phán để có thêm thời gian thúc đẩy làm giàu urani đến giai đoạn đạt được một vũ khí hạt nhân”. |
Dangcongsan
Ý kiến ()