PHẦN THỨ NĂM: TỔ CHỨC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ
Xem thêm [ PHẦN THỨ TƯ: VIỆC ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN]
Câu 131. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước, công đoạn nào?
Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 05 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử.
Bước 2: Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và ở nơi công tác hoặc làm việc (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Câu 132. Hội nghị hiệp thương là gì? Do cơ quan, tổ chức nào triệu tập và chủ trì?
Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và ở địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Hội nghị hiệp thương ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì; Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của Hội nghị hiệp thương ở cấp mình.
Để đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; Hội nghị hiệp thương lần thứ hai; Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Câu 133.Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và thủ tục tiến hành hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021 (chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử) để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thành phần tham dự hội nghị gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được thực hiện như sau:
– Hội nghị cử chủ tọa trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thư ký hội nghị.
– Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị thảo luận để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT). Biên bản hội nghị phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Câu 134.Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và thủ tục tiến hành hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021 (chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử) để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thành phần tham dự hội nghị gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện như sau:
– Hội nghị cử chủ tọa trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thư ký hội nghị.
– Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình bày dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị thảo luận để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT). Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Câu 135. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và thủ tục tiến hành hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập và chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021 (chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử) để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tổ chức hiệp thương trên cơ sở dự kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Thành phần tham dự hội nghị gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:
– Hội nghị cử chủ tọa trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương và Thư ký hội nghị.
– Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trình bày dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp hoặc thôn, tổ dân phố đối với hội nghị hiệp thương tổ chức ở cấp xã.
– Hội nghị thảo luận để thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thoả thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT). Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp huyện, cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Câu 136. Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội như thế nào?
Sau khi nhận được biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi đến, căn cứ vào kết quả hội nghị hiệp thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 22 tháng 02 năm 2021 (90 ngày trước ngày bầu cử). Văn bản điều chỉnh được gửi ngay đến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Mục đích của việc điều chỉnh là nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng chung của đại biểu Quốc hội thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Lần điều chỉnh này là cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Câu 137. Việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được quy định như thế nào?
Sau khi nhận được biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương gửi đến, căn cứ vào kết quả hội nghị hiệp thương, chậm nhất là ngày 22 tháng 02 năm 2021 (90 ngày trước ngày bầu cử), Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
Văn bản điều chỉnh được gửi ngay đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương để làm cơ sở thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp.
Câu 138. Việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như thế nào?
Trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, điều chỉnh lần thứ nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương có trách nhiệm thông báo ngay đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử.
Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2021 đến ngày 11 tháng 3 năm 2021 .
Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo các bước sau đây:
- Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ứng cử.
- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử.
- Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử.
Căn cứ vào kết quả của hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân làm hồ sơ ứng cử theo quy định tại Điều 35 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Câu 139. Cuộc họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như thế nào?
Cuộc họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì với thành phần dự họp gồm Ban lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội; Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị và Ban chấp hành Công đoàn đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp hoặc ban chỉ huy đơn vị đối với đơn vị vũ trang nhân dân.
Thủ tục tổ chức cuộc họp ban lãnh đạo được thực hiện như sau:
– Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân giới thiệu mục đích, yêu cầu của cuộc họp, dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được phân bổ giới thiệu ứng cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và các bước tiến hành để lập danh sách giới thiệu người ứng cử.
– Những người dự họp thảo luận về dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử để lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Cuộc họp thông qua biên bản (theo Mẫu số 02/BCĐBQH-MT đối với giới thiệu người ứng đại biểu Quốc hội hoặc Mẫu số 02/BCĐBHĐND-MT đối với giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân).
Câu 140. Hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử được tổ chức như thế nào?
Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.
Hình thức tổ chức hội nghị được quy định như sau:
– Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri được triệu tập.
– Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại diện cử tri và phải bảo đảm có ít nhất là 70 cử tri tham dự hội nghị. Tùy đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các tổ chức Công đoàn trực thuộc cử đại diện tham dự; trường hợp không có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các đơn vị trực thuộc cử đại diện tham dự.
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự hội nghị.
Việc triệu tập và chủ trì hội nghị cử tri nơi công tác được thực hiện như sau:
– Người ứng cử đang công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn của cơ quan, tổ chức đó triệu tập và chủ trì hội nghị, trừ trường hợp người được giới thiệu ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Người ứng cử là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (nơi chưa thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) tổ chức. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nơi chưa thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức. Người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử đang là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ tổ chức; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức. Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử đang công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử làm việc tại đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế thì người đứng đầu đơn vị, tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử công tác tại Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội cấp xã hoặc là công chức xã, phường, thị trấn thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác được thực hiện tại hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội cấp xã. Người đứng đầu Đảng ủy cấp xã triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Người ứng cử công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người ứng cử thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.
– Trường hợp nơi công tác hoặc nơi làm việc của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chưa có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
Trình tự, thủ tục tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác được thực hiện tương tự như đối với hội nghị cử tri nơi cư trú. Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số lượng cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử (lập theo Mẫu số 01/HNCT).
Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không đạt tín nhiệm của 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức lựa chọn, giới thiệu người khác. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không có người đủ điều kiện để dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo số lượng đã được phân bổ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đã thông báo về việc phân bổ chỉ tiêu giới thiệu người ứng cử để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tương ứng điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp người được đưa ra lấy ý kiến là người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (tổ chức sau Hội nghị hiệp thương lần 2) thì thành phần, trình tự, thủ tục tổ chức hội nghị cử tri ở nơi công tác được thực hiện tương tự như đối với hội nghị lấy ý kiến về người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử được lập theo Mẫu số 02/HNCT và phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.
Câu 141. Hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức như thế nào?
Thành phần tham dự hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định như sau:
– Đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, thành phần dự hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch mở rộng tới người đứng đầu các tổ chức thành viên (tổ chức nào không có tổ chức thành viên thì tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc); Ban Thường vụ mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc Ban Thường trực mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Trường hợp tổ chức xã hội không lập Ban Thường vụ thì tổ chức hội nghị Ban chấp hành.
– Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, thành phần dự hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, đại diện Ban chấp hành Công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
– Đối với đơn vị vũ trang nhân dân, thành phần dự hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy các đơn vị cấp dưới trực tiếp.
– Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị Ủy ban nhân dân mở rộng đến đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc.
– Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
– Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
– Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
– Đối với các đơn vị sự nghiệp thì người đứng đầu đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
– Đối với tổ chức kinh tế thì người đứng đầu tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến người đứng đầu các phòng, ban, phân xưởng, trạm, trại và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.
– Đối với đơn vị vũ trang nhân dân thì chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy các đơn vị cấp dưới trực tiếp.
– Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
Trình tự, thủ tục tổ chức hội nghị được thực hiện như sau:
– Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử.
– Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu giới thiệu phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách người được giới thiệu ứng cử (theo Mẫu số 03/BCĐBQH-MT).
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.
Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trước khi Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.
Câu 142. Việc dự kiến, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố được thực hiện như thế nào?
Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để thảo luận, dự kiến người của thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần.
Thủ tục tổ chức cuộc họp này được thực hiện như sau:
– Trưởng ban công tác Mặt trận giới thiệu mục đích, yêu cầu của hội nghị, cử Thư ký hội nghị và đọc thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Trưởng ban công tác Mặt trận nêu dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
– Các thành viên tham gia cuộc họp thảo luận và nhận xét về người được dự kiến giới thiệu ứng cử.
– Trưởng ban công tác Mặt trận tổng hợp ý kiến và kết luận cuộc họp.
– Hội nghị thông qua biên bản cuộc họp (theo Mẫu số 03/HNMT).
Trên cơ sở kết quả của cuộc họp này, Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời cử tri ở thôn, tổ dân phố tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị. Toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố được thực hiện như sau:
– Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì hội nghị cử tri, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu dự hội nghị; giới thiệu mục đích, yêu cầu của hội nghị; giới thiệu Thư ký hội nghị để hội nghị quyết định; báo cáo về số lượng cử tri được mời, số lượng cử tri có mặt.
– Người chủ trì hội nghị đọc thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử; đọc tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Đại diện Ban công tác Mặt trận đọc danh sách do Ban công tác Mặt trận dự kiến những người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Cử tri có thể giới thiệu thêm người ứng cử để hội nghị xem xét.
– Hội nghị thảo luận về những người được giới thiệu ứng cử.
– Hội nghị quyết định biểu quyết danh sách chính thức những người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì Tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người được giới thiệu ứng cử. Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu tín nhiệm của cử tri phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên của những người được hội nghị cử tri dự kiến giới thiệu ứng cử. Nếu có nhiều người được giới thiệu ứng cử thì ghi rõ họ và tên của những người được giới thiệu ứng cử, xếp theo vần chữ cái A, B, C… Cử tri gạch tên người được giới thiệu ứng cử mà mình không tín nhiệm và bỏ vào hòm phiếu.
Người được giới thiệu ứng cử là người được trên 50% tổng số cử tri có mặt tín nhiệm. Trường hợp có nhiều người cùng được trên 50% tổng số cử tri có mặt tín nhiệm thì người được giới thiệu ứng cử được xác định theo kết quả biểu quyết tính từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng được phân bổ; trường hợp kết quả biểu quyết ngang nhau thì người chủ trì hội nghị lập danh sách những người đó để hội nghị biểu quyết lại và lấy người có kết quả biểu quyết cao hơn mà không cần phải đạt trên 50% tổng số cử tri có mặt. Trường hợp biểu quyết lại mà kết quả biểu quyết vẫn ngang nhau thì việc có biểu quyết tiếp hay không do hội nghị quyết định.
– Tổ trưởng Tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản hội nghị (theo Mẫu số 04/HNCT).
Ban công tác Mặt trận chuyển biên bản hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố về việc thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Câu 143. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021 (chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử) để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương được thực hiện như sau:
– Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội căn cứ vào các nội dung sau đây: (1) Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; (2) Kết quả điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Kết quả thỏa thuận tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; (4) Hồ sơ, biên bản của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến; (5) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ứng cử; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT). Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Câu 144. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021 (chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử) để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở địa phương được thực hiện như sau:
– Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tình hình người tự ứng cử ở địa phương (nếu có). Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội căn cứ vào các nội dung sau đây: (1) Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; (2) Kết quả điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Kết quả thỏa thuận tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; (4) Hồ sơ, biên bản của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến; (5) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
– Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) đối với người tự ứng cử; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT).
– Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Câu 145. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021 (chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử) để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:
– Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), tình hình người tự ứng cử (nếu có). Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân căn cứ vào các nội dung sau đây: (1) Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân; (2) Kết quả điều chỉnh của Thường trực Hội đồng nhân dân về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Kết quả thỏa thuận tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; (4) Hồ sơ, biên bản giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến; (5) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và Mẫu số 05/BCĐB HĐND-MT).
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Câu 146. Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành như thế nào?
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương họp với người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp (đối với cấp xã thì mời các Trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cư trú để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có tên trong danh sách sơ bộ; lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 3 năm 2021 đến ngày 13 tháng 4 năm 2021 (từ sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến trước khi bắt đầu Hội nghị hiệp thương lần thứ ba).
Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống. Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử.
Hình thức tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú được thực hiện như sau:
– Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập.
– Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách và mời cử tri đến dự hội nghị. Trường hợp tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị chưa được tách hay thành lập tổ dân phố riêng thì Trưởng ban công tác Mặt trận đang phụ trách địa bàn nơi có khu chung cư, khu đô thị phối hợp với Ban quản trị hoặc Ban quản lý khu chung cư, Ban quản trị khu đô thị (nếu có) lập danh sách và mời cử tri cư trú tại tòa nhà khu chung cư hoặc khu đô thị đến dự hội nghị.
T hủ tục tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú được thực hiện như sau:
– Người chủ trì hội nghị tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự hội nghị. Người chủ trì có trách nhiệm sau đây:
Giới thiệu mục đích, yêu cầu của hội nghị.
Giới thiệu Thư ký hội nghị để hội nghị quyết định.
Báo cáo về số lượng cử tri được mời, số lượng cử tri có mặt.
Giới thiệu danh sách người ứng cử.
Đọc tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội (đối với hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội), tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (đối với hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân) và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Thư ký hội nghị đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử.
– Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử. Cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử.
– Người ứng cử phát biểu.
– Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phát biểu ý kiến.
– Hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì Tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người ứng cử. Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Ban chấp hành Công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên người ứng cử. Nếu có nhiều người ứng cử thì ghi rõ họ và tên của những người ứng cử, xếp theo vần chữ cái A, B, C… Cử tri gạch tên người ứng cử mà mình không tín nhiệm và bỏ vào hòm phiếu.
– Tổ trưởng Tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản hội nghị cử tri (theo Mẫu số 02/HNCT).
Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số lượng cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử.
Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.
Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.
Câu 147. Việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (đối với tất các những người được giới thiệu ứng cử) và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) (đối với những người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã), nếu phát sinh các vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu ra cần phải được kiểm tra, xác minh thì việc xác minh và trả lời về các vụ việc do cử tri nêu được thực hiện như sau:
– Đối với vụ việc ở nơi công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội); Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân).
Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
– Đối với vụ việc ở khu dân cư thì cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội); Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân).
– Đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội thì Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Đối với người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
Chậm nhất là ngày 13 tháng 4 năm 2021 (40 ngày trước ngày bầu cử và trước khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba), việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được tiến hành xong.
Câu 148. Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần người được giới thiệu đáp ứng được yêu cầu mà luật đã quy định (về số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, là phụ nữ), bảo đảm tỷ lệ cân đối người ứng cử là người trẻ tuổi, người ngoài Đảng, người đại diện cho các cơ quan, tổ chức ở trung ương với địa phương, người đại diện cho các cơ cấu ngành nghề trong xã hội… và phù hợp với tình hình thực tế, số lượng, chất lượng của người ứng cử trong cuộc bầu cử này.
Do đó, sau khi nhận được biên bản của Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương và địa phương về danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến và căn cứ vào kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, chậm nhất là ngày 29 tháng 3 năm 2021 (55 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Câu 149. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương được thực hiện như sau:
– Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…
– Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT).
Chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Câu 150. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành?
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương được thực hiện như sau:
– Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…
– Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT).
Chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương cùng danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Câu 151. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.
T hủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:
– Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…
– Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
– Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và Mẫu số 05/BCĐBHĐND-MT).
Chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Câu 152. Sau khi đã hết thời hạn tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để đưa ra Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được không?
Ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử) là thời hạn cuối cùng để công dân hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử).
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử phải tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có). Do đó, khi thời hạn tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã hết thì không thể còn thời gian để nộp bổ sung hồ sơ ứng cử mới được nữa. Bởi vậy, việc bổ sung người ứng cử vào danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau ngày 14 tháng 3 năm 2021 là không thể thực hiện được.
(Còn nữa)
Ý kiến ()