Phân luồng học sinh sau THCS: Khó nhưng không thể không làm
LSO-Phân luồng học sinh sau cấp THCS là việc làm không mới, song ở tỉnh ta nói riêng và toàn quốc nói chung vẫn chưa có hiệu quả. Và đến nay chúng ta vẫn loay hoay tìm một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này…
Học sinh Trường Trung cấp nghề Việt Đức thực hành làm nấm |
Chỉ cho chúng tôi xem xưởng thực hành của trung tâm với các trang thiết bị khá đồng bộ, thầy giáo Lưu Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Tràng Định cho biết: đến cuối năm học 2012-2013, Trung tâm đã có 136 em dự thi hệ trung cấp nghề và sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề. Được hỏi về tương lai, một số học sinh nói rằng sẽ cố gắng học văn hóa và học nghề, nếu không tốt nghiệp lớp 12 hệ Bổ túc văn hóa, em vẫn có bằng Trung cấp nghề. Và đây chính là điều kiện để các em lập thân lập nghiệp và học lên.
Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 10.895 học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS hệ chính quy, trong đó có xếp loại giỏi và khá là 48,9% và còn 51,1% loại trung bình. Nếu tư vấn tốt, sức hút về việc làm của nền kinh tế tốt thì chính học sinh tốt nghiệp loại trung bình sẽ không vào cấp THPT mà vào học nghề và họ sẽ tiết kiệm được 3 năm. 3 năm ấy với trên 5.500 thanh niên đã được học nghề và bước vào lao động thì sẽ rất có lợi cho gia đình và xã hội. Thống kê của ngành GD&ĐT Lạng Sơn cho thấy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013-2014 đã thu hút trên 8700 em tham gia. Theo kế hoạch, cấp THPT hệ chính quy sẽ tuyển khoảng 85% số học sinh tốt nghiệp cấp THCS và còn khoảng 15% vào học các Trung tâm GDTX tại Trung tâm hoặc các lớp bổ túc THPT cụm xã. Như vậy sẽ không có học sinh tốt nghiệp THCS đi theo “luồng” đào tạo nghề hệ Trung cấp. Khi được hỏi về vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, bà Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đây là vấn đề khó, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện một cách kiên trì ngay từ những năm đầu của cấp THCS để hình thành ý thức nghề cho học sinh. Nhưng chỉ riêng các nhà trường thì chưa đủ, mà cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, có như vậy người dân mới có nhận thức tốt và đầy đủ để tư vấn và lựa chọn nghề tương lai cho con em mình.
Trong mấy năm nay, số học sinh Lạng Sơn dự tuyển vào các trường Trung cấp nghề trong tỉnh và cả nước đã tăng lên, nhưng đây là số học sinh đã tốt nghiệp THPT và không đỗ vào các trường ĐH-CĐ. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào trường Trung cấp nghề thực sự còn ít. Có dịp trao đổi với ông Đặng Anh Giang, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt-Đức, chúng tôi được biết, nhà trường đã tuyển học sinh học nghề trình độ Trung cấp và học văn hóa THPT từ nhiều năm nay. Chế độ đối với học sinh vùng khó khăn, vùng cao đều có đầy đủ, song số tuyển được vẫn rất thấp. Ông cho rằng chính sự khó khăn trong tìm việc làm và thu nhập của học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề, chính sự “dễ dãi”của thị trường lao động Trung Quốc giáp Lạng Sơn là nguyên nhân của thực trạng này.
Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị đã yêu cầu các ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Hướng tới sẽ có 30% học sinh được phân luồng sau THCS vào năm 2020. Đối với Lạng Sơn chúng ta, các điều kiện như hệ thống các trường nghề, cơ sở dạy nghề từ cấp huyện, ngành, tổ chức đến trung cấp và cao đẳng nghề đã có. Hệ thống này hoàn toàn có đủ năng lực để thu hút một bộ phận học sinh sau THCS nếu được trang bị đầy đủ, có đội ngũ giáo viên tốt và đa dạng hóa loại hình nghề. Ngoài ngành GD&ĐT, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành các cấp, các lực lượng xã hội và sự lớn mạnh của nền kinh tế sẽ giúp các em và gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và sáng suốt trong lựa chọn. Có như vậy, công tác phân luồng sau THCS mới đạt được kết quả mong muốn.
Ý kiến ()