Phân loại Trạm kiểm tra tải trọng xe
Quy định trên được Bộ Giao thông vận tải dự kiến đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
Cụ thể, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bao gồm: 1- Trạm kiểm tra tải trọng xe thường xuyên có lực lượng chức năng, trong đó có Trạm kiểm tra tải trọng xe độc lập và Trạm kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí; 2- Trạm kiểm tra tải trọng xe không thường xuyên có lực lượng chức năng, trong đó có Trạm kiểm tra tải trọng xe độc lập và Trạm kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí.
Trong đó, Trạm kiểm tra tải trọng xe đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước và giao cho Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải quản lý và sử dụng. Trạm kiểm tra tải trọng xe do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ) đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng.
Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được đầu tư, trang bị bằng ngân sách Nhà nước và do Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải quản lý và sử dụng. Trường hợp Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động dưới hình thức Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động (Tổ), Tổ sử dụng cân xách tay hoặc các biện pháp khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần
Dự thảo nêu rõ, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ; mỗi ngày chia thành 3 ca làm việc. Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm phải tạm ngừng hoạt động, Trạm trưởng phải có văn bản (hoặc gửi trước qua Fax) báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm. Thời gian báo cáo không được chậm quá 1 giờ, kể từ khi Trạm tạm ngừng hoạt động.
Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động theo kế hoạch hoặc chỉ đạo của cấp quản lý có thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảonày trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Ý kiến ()