Phân loại rác từ nguồn: Vẫn chỉ là phong trào
(LSO) – Mặc dù đã có những chương trình được đầu tư đáng kể, thực hiện quy mô và bài bản … thế nhưng việc phân loại rác thải từ nguồn cho đến nay vẫn chỉ là phong trào, mà chưa thực sự trở thành thói quen của người dân. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp và đồng bộ hơn nếu như thực sự muốn việc phân loại rác từ nguồn có hiệu quả lâu dài.
Thói quen sai lầm
Vào mỗi buổi chiều ở thành phố Lạng Sơn, không khó để thấy nhiều người mang rác thải sinh hoạt ra đổ tại thùng rác công cộng. Điều đáng nói là các loại rác hữu cơ (rau, củ, quả, xương, thịt …) được trộn lẫn với những loại rác khó phân hủy như: chai nhựa, túi bóng, đồ gốm, sứ, thủy tinh … gây khó khăn cho việc phân loại, xử lý chất thải. Khi được hỏi thì nhiều người cho rằng việc phân loại rác chỉ là phong trào, hết phong trào thì họ lại trở về với thói quen đổ chung cho “tiện”.
Người dân vứt rác chưa được phân loại tại thùng rác công cộng
Tuy nhiên, việc gì cũng có lý do của nó. Nhiều người dân ở các phường Hoàng Văn Thụ, Đông Kinh, Vĩnh Trại… mặc dù đã được phổ biến, cũng biết cách phân loại nhưng họ vẫn không thực hiện. Bà Ngô Thị Hương, trú tại phường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Trước đây, tôi cũng phân loại rác theo các phong trào mà khối phố vận động nhưng thấy mấy hộ khác không thực hiện nữa mà có ai nhắc nhở đâu, nên nhà tôi cũng thôi. Với lại, mấy lần tôi nhìn xe chở rác dồn cả vào một đống đưa lên xe, chai lọ lại dồn vào củ, quả. Thế hóa ra mình chia ra để họ mất công gom lại thì mình chia làm gì”.
Theo quan sát của chúng tôi, chính những chiếc xe chuyên dụng hoạt động hằng ngày của công ty vệ sinh môi trường cũng chưa có sự phân loại rác. Mỗi công nhân khi đến các thùng rác đều thực hiện những hành động rất quen thuộc: đẩy thùng ra, cột vào xe chuyên dụng và gạt cần để xe tự đưa rác vào thùng. Rõ ràng, không chỉ người dân đang có thói quen xấu, mà chính những người thu gom cũng chỉ gom lại cho “tiện”.
Cần những giải pháp đồng bộ
Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Phân loại rác từ nguồn là một nội dung trong phong trào phòng chống rác thải nhựa đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phát động từ cuối năm 2018. Theo đó, mỗi người dân cần chia rác thành 3 loại: rác dễ phân hủy (đồ ăn, các loại rau, củ, quả…), rác khó phân hủy (chai nhựa, đồ thủy tinh, túi nilon …) và rác tái chế (sách, báo cũ, bì thư, vỏ lon…).
Mới đây, vào tháng 7/2019, tại thành phố Lạng Sơn, Công ty TNHH Huy Hoàng cũng đã thực hiện “Đề án Sử dụng túi thân thiện môi trường; phân loại rác tại các hộ gia đình và đổ rác đúng giờ”. Thực hiện đề án, công ty đã phát túi ni-lông cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc 5 phường, 1 xã của thành phố; thực hiện nhiều đợt tuyên truyền về cách phân loại rác thải đến từng hộ dân; tiến hành đặt thùng rác công cộng tại các điểm thích hợp với 3 màu: thùng xanh chứa rác hữu cơ, thùng đỏ đựng rác vô cơ tái chế và thùng cam đựng rác vô cơ không tái chế; vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… Tuy nhiên, đề án chỉ thực hiện được trong vòng 2 tháng thì phải dừng lại vì hiệu quả không như mong đợi. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ phụ trách đề án của Công ty TNHH Huy Hoàng cho biết: “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy còn nhiều khó khăn: thói quen của người dân từ lâu; thiếu kinh phí; có chế tài xử phạt nhưng khó thực hiện… khiến cho đề án không đạt được hiệu quả mong muốn. Hiện chúng tôi đã tạm dừng đề án, tuy nhiên, công ty vẫn tích cực nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có phương hướng phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện lại trong thời gian tới”.
Những khó khăn từ thực tiễn mà Công ty TNHH Huy Hoàng gặp phải cũng là những điều mà Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh nhận thấy khi phối hợp thực hiện đề án trên. Ông Nguyễn Khắc Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng: “Muốn thay đổi được thói quen của người dân trong phân loại rác thải, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, và đặc biệt là cần thời gian dài. Cụ thể: cách thức thực hiện cần được thống nhất và tiến hành ở tất cả các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm, khối phố, trong đó phát huy vai trò nêu gương của cán bộ; công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, nhất là ở cơ sở; cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng để phủ rộng nội dung tuyên truyền; cuối cùng là cần có chế tài xử lý phù hợp, có tính răn đe để người dân nghiêm túc thực hiện”.
Để thay đổi thói quen cần cả một quá trình. Thời gian tới, các cấp, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy, việc phân loại rác thải từ nguồn mới đi vào quy củ, thực chất.
Ý kiến ()