Phân loại rác thải tại nguồn: Cách làm khoa học trong cải tạo môi trường
Phân loại rác thải tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết rằng, nhiều năm qua, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, khắc phục và cải tạo môi trường, đặc biệt là tỉnh rất nỗ lực trong việc xử lý rác thải. Tuy vậy, do điều kiện kinh phí, cơ sở xử lý rác thải còn thiếu nên khâu xử lý rác trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là chôn lấp. Trong khi đó, rác thải thì có rất nhiều loại, có loại có thể phân hủy sau khi chôn, nhưng có loại thì không thể phân hủy như rác thải rắn, thác thải y tế, ni-lông, nhựa… Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, khâu phân loại rác không tốt không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chôn rác mà con lãng phí những loại rác có thể tái chế. Thống kê của ngành môi trường đã cho thấy điều này, trong 100 tấn rác thải hàng ngày thì có đến 30 – 50% lượng rác chứa những hợp chất có thể tái chế, nhưng hiện tại chúng ta mới chỉ phân loại và tái chế được 10% trong số đó mà thôi.
Không chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn gặp khó trong việc phân loại rác thải, mà các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng gặp khó trong công việc này. Chính vì vậy, từ năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản cùng với một số tỉnh, thành lớn thực hiện thí điểm việc phân loại rác ngay tại nguồn, qua thực hiện đã gặt hái được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các chương trình phân loại chất thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi và duy trì lâu dài do thiếu nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn nhân lực triển khai thực hiện.
Riêng đối với tỉnh Lạng Sơn, sau nhiều năm “thai nghén” đến năm 2013, đề án “phân loại rác thải tại nguồn” mới được thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố. Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng cho biết: mỗi ngày thành phố Lạng Sơn thải ra các chất thải sinh hoạt lẫn lộn từ 20 – 24 thành phần khác nhau; mức gia tăng của khối lượng chất thải rắn đô thị khoảng từ 10 – 15% năm. Sau khi được thu gom từ các nguồn phát sinh, hầu hết lượng rác thải đều được vận chuyển đến bãi chôn lấp. Với hệ thống như trên, hàng năm mặc dù đã phải chi nhiều tỷ đồng cho công tác quét dọn vệ sinh, thu gom, trung chuyển, vận chuyển và chôn lấp, nhưng thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về quản lý môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại bãi chôn lấp rác. Từ giữa năm 2013 đến nay, khi đề án “phân loại rác thải tại nguồn” được thực hiện thì lượng rác thải có khả năng tái chế, chất thải rắn… đã được phân loại, điều này góp phần làm giảm khối lượng rác thải đưa đến bãi chôn lấp. Để thực hiện thí điểm đề án này, Công ty TNHH Huy Hoàng đã đầu tư 1.500 thùng rác đặt tại các tuyến phố, khu dân cư và định kỳ một ngày hai lần công nhân của công ty sẽ đi gom tất cả các thùng rác lưu động này về để phân loại và xử lý. Theo kế hoạch, đến năm 2015, công ty sẽ tổ chức đặt thêm 1.500 thùng rác, cụ thể phấn đấu cứ 20m sẽ có một thùng rác nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi đổ rác. Giám đốc công ty TNHH Huy Hoàng khẳng định: đề án “phân loại rác thải tại nguồn” là một cách làm khoa học trong việc cải tạo môi trường. Trong quá trình triển khai, đơn vị đã tuyên truyền đến từng hộ dân để mọi người có thể hiểu được lợi ích của đề án này, qua đó, chính người dân sẽ tự phân loại rác trước khi bỏ vào thùng rác. Tuy vậy, do một số nguyên nhân, người dân vẫn chưa thực hiện việc này, họ vẫn cứ phó mặc cho công nhân.
Trao đổi về đề án này, các chuyên gia của Sở TN&MT cũng nhận định: hoạt động phân loại rác tại nguồn là cách làm khoa học trong cải tạo môi trường, cách làm này chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả đạt được lại là cao nhất. Nhưng cách làm này không chỉ dựa vào đơn vị thu gom, xử lý rác mà thành công hay không phụ thuộc chính vào ý thức của người dân, nếu người dân có ý thức phân loại trước khi bỏ rác thì hiệu quả đạt được là tuyệt đối. Ngoài ra, đối với Lạng Sơn, trong năm 2013 đã có đơn vị khởi công nhà máy xử lý, tái chế rác thải, nhưng dự án này hiện vẫn chưa được nhà đầu tư thi công. Nếu trên địa bàn tỉnh có nhà máy xử lý, tái chế rác thải thì hiệu quả của đề án này sẽ nhân đôi.
Hiện tại, khi chưa có nhà máy xử lý, việc xử lý rác vẫn làm thủ công qua việc chôn lấp thì ngành môi trường, thành phố và tiến tới là các huyện cần tiếp tục tăng cường vận động các gia đình và từng người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()