Phân loại rác thải ở nguồn: Lộ trình triển khai cần phù hợp điều kiện địa phương
Bộ Tài nguyên-Môi trường, các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, truyền thông trong cộng đồng để thực hiện phân loại rác ở nguồn từ 1/1/2025.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đối với công tác này.
Hiện Bộ và các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, truyền thông trong cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác thải tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 1/1/2025.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và thể hiện rõ quyết tâm đồng hành với địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu và lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.
Mới đây nhất là Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2 là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác gồm chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại.
Hướng dẫn nêu rõ đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Tiếp theo việc hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thành và ban hành Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá. Đây là cơ sở giúp địa phương thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, biến chất thải thành tài nguyên.
Thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy cả nước đã có 16 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, một số địa phương, người dân đang hiểu nhầm nội dung bắt buộc áp dụng đồng loạt trên toàn quốc từ 1/1/2025. Theo đó, cần hiểu, tinh thần của Luật là triển khai đồng bộ sau khi ban hành, song, phải tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội, hạ tầng mỗi địa phương để lựa chọn triển khai thí điểm trước và áp dụng đại trà sau, nghĩa là có lộ trình đối với quy định này.
Luật, các nghị định, thông tư liên quan cũng có nội dung giao địa phương ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, trong đó có nội dung về lộ trình áp dụng phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng, ông Hoàng Văn Thức cho rằng việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen là quan trọng và cần thiết. Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên và liên tục; đồng thời phải được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực.
Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn; phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
“Để công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả, các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất hàng chục năm. Do vậy, chúng ta không nên quá sốt ruột, phải đi theo lộ trình và lộ trình đó phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương,” Cục trưởng Hoàng Văn Thức chia sẻ./.
Ý kiến ()