Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn: Tăng tuyên truyền, nâng nhận thức
- Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đề án “Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn”. Qua đó, góp phần cải tạo môi trường, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, tăng lượng rác có giá trị tái chế tại nguồn
Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày, thành phố Lạng Sơn phát sinh khoảng 113 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khối lượng thu gom và xử lý bằng phương pháp chôn lấp khoảng 112 tấn/ngày, chiếm 99%. Bình quân mỗi năm, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn thành phố tăng thêm khoảng 5%. Với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn và nhiều chất thải phức tạp như vậy thì việc thu gom, phân loại, xử lý triệt để, đảm bảo vệ sinh môi trường là không hề dễ dàng.
Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng cho biết: Trung bình mỗi năm, công ty thu gom, vận chuyển, xử lý trên 40.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do không được phân loại nên từ rác vô cơ, hữu cơ, rác thải nhựa đều trộn lẫn vào nhau. Trước khi thực hiện chôn lấp, công ty đã sàng lọc một phần rác thải có khả năng tái chế, tuy nhiên khối lượng không nhiều. Rác thải sau thu gom được đơn vị xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Điều này đang tạo áp lực lớn đối với đơn vị trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp xử lý rác thải ngày càng hạn hẹp.
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, Sở TN&MT đã triển khai đề án “Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn”. Đề án được triển khai tại 4.000 hộ dân phường Vĩnh Trại và 45 trường học, 9 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 5 điểm chợ, 77 nhà hàng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 5,1 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 7/2024.
Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Để các quy định thực sự đi vào cuộc sống, thời gian qua phòng đã tham mưu cho Sở TN&MT thực hiện nhiều giải pháp triển khai hiệu quả đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Theo đó, phòng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai và giám sát thường xuyên việc thực hiện phân loại rác tại các địa điểm triển khai đề án. Trong đó đặc biệt chú trọng phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, bí thư, trưởng các khu, khối phố, người có uy tín trong thực hiện và tuyên truyền, vận động các hộ dân phân loại rác tại nguồn.
Ngoài ra, Sở TN&MT tổ chức 2 lớp tập huấn cho 240 học viên là chủ nhà hàng, siêu thị, điểm chợ và lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý môi trường trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức 18 buổi tập huấn và cấp phát trên 8.000 kg bao bì đựng rác cho các hộ dân phường Vĩnh Trại...
Sau thời gian triển khai tuyên truyền, thí điểm và giám sát, kiểm tra thực hiện phân loại rác tại nguồn, đến nay, 100% hộ dân phường Vĩnh Trại được tuyên truyền, cấp phát túi phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, có trên 80% hộ dân đã thay đổi nhận thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại các trường học, trên 90% các nhà trường đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các em học sinh quy trình, cách thức phân loại rác từ lớp học. Cùng đó, trên 50% các nhà hàng, siêu thị, điểm chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố bước đầu thay đổi nhận thức, thói quen, tiến hành phân loại rác tại nguồn.
Bà Nguyễn Thị Thu, khối 2, phường Vĩnh Trại cho biết: Được khối phố tuyên truyền, vận động và nhận thấy ý nghĩa của việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, gia đình tôi đã nghiêm túc thực hiện theo. Cụ thể, đối với rác hữu cơ gia đình đem ủ xuống đất để trồng rau; rác tái chế gia đình thu gom để bán phế liệu; còn rác vô cơ, gia đình thu gom bỏ vào túi riêng theo quy định. Mong rằng thời gian tới các hộ dân trên địa bàn khối cùng nhau thực hiện tốt hơn nữa việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, từ đó hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, nhiều tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi đề án đã bước đầu thay đổi nhận thức, thói quen thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhà hàng, siêu thị, chợ và một số hộ dân tại phường Vĩnh Trại chưa thực hiện triệt để việc phân loại rác. Vẫn còn tình trạng hộ dân, siêu thị chỉ thu gom rác thải tái chế để bán phế liệu, các loại rác sinh hoạt phát sinh còn lại chưa được phân loại theo quy định. Tại các buổi kiểm tra, ngành chức năng đã tiến hành nhắc nhở, yêu cầu người dân, các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về phân loại rác tại nguồn.
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, tăng lượng rác tái chế. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng, các đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy, việc phân loại rác thải từ nguồn mới đi vào quy củ, thực chất.
Ý kiến ()