Phân định rõ nội dung giám sát đối với hoạt động của HĐND
Cần phải phân định rõ các nội dung liên quan trong việc giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với việc hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của HĐND.
Đây là nội dung được nhiều ý kiến đề cập tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với UBTVQH trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND là trách nhiệm và thẩm quyền của UBTVQH được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật có liên quan. Bên cạnh đó, Điều 25 Luật Tổ chức Chính phủ, Khoản 2 cũng quy định Chính phủ có trách nhiệm “Hướng dẫn và kiểm tra HĐND trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…”
Từ thực tế này, TS. Nguyễn Đình Quyền đề nghị cần phải làm rõ có nên phân công trách nhiệm cho cả 2 cơ quan hướng dẫn, giám sát/kiểm tra hoạt động của cùng một đối tượng là HĐND hay không và nếu vẫn để 2 cơ quan thực hiện chức năng này thì cần làm rõ UBTVQH và Chính phủ hướng dẫn nội dung gì; UBTVQH và Chính phủ kiểm tra hoạt động gì của HĐND.
Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII cho rằng đến nay đã có nhiều quy định của pháp luật, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc UBTVQH giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của HĐND.
Tuy nhiên, do còn nhiều quy định chung về vai trò, trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của UBTVQH nên trên thực tiễn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Hơn nữa, các quy định được ban hành đã lâu nên nhiều quy định không còn phù hợp với Hiến pháp 2013, các luật ban hành sau Hiến pháp 2013.
“Mặt khác, một số vấn đề đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật khác…”, ông Đặng Đình Luyến cho biết thêm.
Ông Luyến kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh 1996 theo hướng cụ thể hơn để khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý, đồng thời góp phần nâng cao vai trò giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND.
Ông Nguyễn Đức Lam, công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử,Văn phòng Quốc hội cho rằng Chính phủ chỉ nên hướng dẫn HĐND, hướng dẫn HĐND cấp tỉnh thực hiện nghị quyết, quyết định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương. Các nội dung như hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng của đại biểu thì chỉ nên quy định thẩm quyền này cho UBTVQH.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội kiến nghị phải phân định rõ các nội dung liên quan trong việc giám sát, hướng dẫn của UBTVQH với việc hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ để tránh trùng lắp, chồng chéo nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc thực hiện hoặc phối hợp thực hiện những nhiệm vụ liên quan.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()