Phấn đấu thực hiện tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh
Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và ngày 23-11 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành thanh tra. 70 năm qua, với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra Chính phủ (1949-1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955-1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961-1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984-1989), Thanh tra Nhà nước (1990-2004), Thanh tra Chính phủ (từ 2004 đến nay), Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi thành lập, Ban Thanh tra đặc biệt đã giám sát công việc của UBND địa phương, xem xét khiếu nại, tố cáo của nhân dân, qua đó chấn chỉnh nhiều yếu kém, khuyết điểm trong quản lý; xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm và minh oan, trả tự do cho những người bị oan sai, góp phần giữ vững kỷ cương, củng cố lòng tin của nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ tiền tuyến, quản lý tài chính quân đội, quản lý ngân sách, góp phần động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời việc khôi phục chiến tranh, xây dựng CNXH ở miền bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ, cứu nước ở miền nam. Sau khi miền nam giải phóng, ngành thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền, phát hiện và xử lý các tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội, phát hiện những nhân tố mới, những điển hình mới trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động của ngành thanh tra ngày càng đi vào nền nếp, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tập trung làm rõ, xử lý các vi phạm nảy sinh; nhiều yếu kém trong công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền và bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Năm năm gần đây (2011-2015), ngành thanh tra cả nước không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đã đạt nhiều kết quả khá tích cực, toàn diện nổi bật trên các mặt công tác, đó là:
Trong công tác thanh tra, đã tập trung thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân. Toàn ngành đã phát hiện vi phạm hơn 208 nghìn tỷ đồng, 303 nghìn héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 héc-ta đất; ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm với số tiền 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra vừa làm tốt vai trò tham mưu, vừa trực tiếp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đã tiếp 1.864.724 lượt công dân (21.705 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 609.999 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 214.113 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 2.346 tỷ đồng, 1.234 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.054 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 187 vụ, 445 người.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và hướng dẫn các ngành, các cấp triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; vừa thực hiện chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng. Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.
Trong công tác xây dựng thể chế, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành. Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành các Thông tư hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ, nhằm tạo sự đồng bộ về pháp luật phục vụ công tác của ngành thanh tra.
Trong công tác xây dựng ngành, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương ngày một hoàn thiện, đồng bộ. Vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, tiêu chuẩn về các chức danh thanh tra, trang phục thanh tra được thiết lập và đưa vào áp dụng. Ngành thanh tra đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, vai trò, vị thế của thanh tra được nâng lên.
Chặng đường xây dựng và trưởng thành của Thanh tra Việt Nam trong 70 năm qua là rất đáng tự hào, có được những thành tựu to lớn đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Kế thừa thành tựu của 70 năm qua trước thực trạng khó khăn, trở ngại phía trước còn nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, ngành thanh tra quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường và đổi mới việc định hướng hoạt động thanh tra, thường xuyên nắm chắc tình hình để xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm, tham nhũng; đồng thời thường xuyên thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu giải quyết đúng chính sách, pháp luật hơn 85% số vụ việc mới phát sinh và giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người phức tạp, kéo dài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm và xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đánh giá chính xác tình hình và kết quả phòng, chống tham nhũng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện tốt các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; không ngừng rèn luyện người cán bộ thanh tra văn hóa, gương mẫu, tận tụy, khách quan, công tâm; xây dựng “người làm thanh tra phải thanh sạch, ngay ngắn, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của Đảng, của đất nước” (như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ); xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới.
Yêu cầu của xã hội đòi hỏi ngành thanh tra phải tiếp tục phát huy thành quả 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đặc biệt những kết quả, kinh nghiệm quý trong nhiệm kỳ vừa qua, quyết tâm phấn đấu hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()