Phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 5 đến 8%
Ngày 5-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN sáu tháng cuối năm 2017. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ. Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương sáu tháng đầu năm được bảo đảm. Công tác quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát được tăng cường, giữ vững, không xảy ra tình trạng đột biến về giá… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt thấp; tiến độ thu NSNN, nhất là thu ngân sách trung ương đạt thấp; công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo hoàn thành và vượt mức công tác thu NSNN năm 2017. Cố gắng vượt thu 5 đến 8% so với dự toán được giao và tiếp tục quản lý chặt chẽ thu NSNN, trong đó chú trọng thu nội địa. Triển khai tốt hóa đơn điện tử, phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo đảm không lạm thu mà thu đúng, thu đủ nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh. Chi ngân sách tuân thủ bảo đảm chi theo dự toán, đồng thời siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu, quản lý chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công, nợ công và tài sản công; khuyến khích phát triển thành phần kinh tế tư nhân. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính phối hợp Bộ Giao thông vận tải sớm giảm phí BOT tại 44 trạm nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tránh để việc giải ngân chậm tác động tiêu cực đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, tác động đến hiệu quả sử dụng vốn, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()