Phấn đấu nâng cao chất lượng phổ cập
Lãnh đạo ngành GD&ĐT tặng mũ bảo hiểm cho các cháu 5 tuổi Trường Mầm non Tân Hương (Bắc Sơn) |
Tăng cường các điều kiện nuôi dạy
Để khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, sự thiếu hụt về giáo viên, nhân viên, trong năm học 2015-2016, công tác đầu tư phòng học cho các trường MN đã được các huyện, thành phố thực hiện một cách rốt ráo. Kết quả, trên 200 phòng học đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng; nhiều dự án công trình như Trường MN thị trấn Đình Lập, xã Đình Lập (huyện Đình Lập), Trường MN xã Đông Quan (Lộc Bình), Trường MN xã Tô Hiệu (Bình Gia) đã hoàn thành. Ngành cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới và mở rộng, nâng cấp các công trình như MN Tú Mịch (Lộc Bình); Đông Kinh, Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn)… Các huyện cũng đã chủ động dùng ngân sách địa phương để “hợp lực” với các nguồn vốn như vốn Chương trình 135, vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới để tăng số phòng học kiên cố và bán kiên cố, giảm phòng học tạm, phòng học nhờ, học mượn. Trước khi thực hiện Đề án xây dựng bếp ăn, nhà ăn cho các trường MN và phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã chi 10 tỷ đồng để xây dựng 24 bếp ăn cho các trường MN khó khăn nhất. Về đội ngũ giáo viên, nhân viên, ngành đã báo cáo thực trạng và kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đã được quan tâm như có chính sách tuyển dụng vào biên chế, thống nhất chính sách hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên. Vì vậy, bước vào năm học 2016-2017, công tác GDMN sẽ có thêm điều kiện để nuôi và dạy có chất lượng.
Tăng cường mức độ sẵn sàng đi học cho trẻ em 5 tuổi
Trong khi ở thành phố, thị trấn, việc tăng cường khả năng đọc, viết và làm tính của trẻ 5 tuổi đã trở thành cuộc “chạy đua” của các phụ huynh và tạo áp lực lớn lên trẻ em trong dịp hè thì ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các xã có đồng bào Dao, Mông…, nhiều trẻ 5 tuổi vẫn chưa đủ sự phát triển để sẵn sàng vào lớp 1. Cô giáo Nguyễn Thị Bé, Hiệu trưởng Trường MN xã Thái Bình (Đình Lập) cho biết: Trong 5 lĩnh vực phát triển của trẻ, có lẽ lĩnh vực mà trẻ em ở xã Thái Bình gặp khó khăn nhất là kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức. Tuy 2 buổi tại trường, tất cả giao tiếp trò với cô, trò với trò đều bằng tiếng Việt, song khi về gia đình lại giao tiếp bằng tiếng dân tộc, vì vậy, phát âm của các cháu còn nhiều yếu kém. Từ 3 năm nay, chúng ta đã thực hiện Chương trình giáo dục MN mới và được thụ hưởng dự án “Tăng cường mức độ sẵn sàng đi học của trẻ MN 5 tuổi” nên các chuẩn phát triển độ tuổi đã được cải thiện nhiều. Với đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn (có 67,63% trên chuẩn), thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi được tăng cường, học sinh được học 2 buổi/ngày, mức độ sẵn sàng đi học của trẻ MN được nâng lên với các chỉ số khá cao như chỉ số về sức khỏe, thể chất, chỉ số trưởng thành và tình cảm, năng lực xã hội, chỉ số hiểu biết chung.
Tuy vậy, với 604 điểm trường của 220 trường MN và 668 lớp ghép từ 2-3 độ tuổi, việc tăng cường tiếng Việt cần phải được coi trọng. Ngày 12/7/2016, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 81/KH-UBND về Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em MN, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Với kế hoạch này, trên 46.700 trẻ MN người dân tộc thiểu số (chiếm 85,8% tổng số trẻ MN), trong đó có trên 37.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) sẽ được tăng cường tiếng Việt một cách phù hợp. Cô Vi Thị Giao, Trưởng phòng GDMN-Sở GD&ĐT nói rằng, tăng cường một cách phù hợp có nghĩa là các nhà trường dựa vào tài liệu “Hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình GDMN cho trẻ mẫu giáo 3, 4, 5 tuổi” để rèn tiếng Việt qua các chuyên đề như chăm sóc, vận động, giao tiếp, thẩm mỹ…. Tuyệt nhiên không thể rèn cho con biết đọc, biết viết, biết làm tính trước khi vào lớp 1 như một số phụ huynh gửi con vào các lớp học hè hiện nay.
Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ và thực hiện tốt các đề án, kế hoạch tức là chúng ta đã nâng cao chất lượng của cấp học, giữ vững và phát huy thành tựu phổ cập.
Ý kiến ()