Phấn đấu mục tiêu dinh dưỡng và giáo dục
LSO-Trong 5 mục tiêu mà kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kết luận số 211-KL/TU, ngày 23/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2016-2020”, mục tiêu dinh dưỡng và giáo dục có ý nghĩa “đòn bẩy” cho sự phát triển.
Trạm Y tế xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) thực hiện cân trẻ để theo dõi định kỳ |
Thực hiện các giải pháp y tế
Hữu Lũng là huyện đông dân và còn đến 11,53% hộ nghèo (thống kê năm 2015), song tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) của trẻ em chỉ ở mức 8,5%. Để đạt được chỉ số này, theo bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, công tác phòng chống SDD trẻ em được thực hiện theo chiều sâu và quản lý một cách hệ thống. Do được tư vấn về dinh dưỡng trong số phụ nữ có thai, khám thai nên tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5 kg đã giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 8,5% năm 2015. Sau đẻ, bà mẹ được uống vitamin A, các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng được đẩy mạnh. Tỷ lệ trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A đã được nâng từ 98% năm 2010 lên 99,5% năm 2015. Việc cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng vào tháng 6 hằng năm luôn đạt 98,6%.
Theo thống kê của ngành y tế, trong những năm qua, việc thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình với quy mô gia đình có 2 con, việc theo dõi thai, khám thai đúng kỳ và đăng ký sinh đẻ tại trạm y tế đã có tác dụng tốt trong phòng chống SDD thai nhi và trẻ dưới 2 tuổi. Vì vậy, tình trạng trẻ sơ sinh bị nhẹ cân (dưới 2,5 kg) đã giảm từ 14% năm 2012 xuống còn 10% năm 2015. Cùng với công tác chăm sóc sau đẻ, chương trình tiêm chủng, bổ sung vitaminA, chương trình phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như giun sán, tiêu chảy… đã được thực hiện song song với chương trình dinh dưỡng cộng đồng đã góp phần giảm thiểu số trẻ dưới 2 tuổi bị SDD. Bên cạnh đó, thực hiện cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay từ cơ sở đã góp phần giảm tình trạng trẻ bị SDD trong cộng đồng.
Huy động và chăm sóc trẻ tại trường học
Một trong những thành công của Lạng Sơn là đến năm 2015 đã nâng tỷ lệ trẻ đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt 36,09%, độ tuổi mẫu giáo đạt 97,35% ( huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,46%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 dạt 99,98%. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi và thành lập 92 trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) với gần 13.000 học sinh đã tạo điều kiện hơn về quyền được học tập của trẻ em. Cùng với việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 3-5 tuổi ở các trường mầm non; hỗ trợ tiền ăn, gạo và chi phí học tập cho học sinh được hưởng chế độ… là một trong những yếu tố quyết định việc duy trì sĩ số và đảm bảo sự công bằng trong việc đảm bảo quyền học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chương trình giáo dục hòa nhập đã tạo điều kiện cho trên 1.200 trẻ khuyết tật được đến trường. Đến cuối năm 2015, Lạng Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS.
Với hệ thống 11 trường phổ thông DTNT, 92 trường phổ thông DTBT, 215 trường tiểu học và 210 trường mầm non có ăn bán trú với khoảng trên 70 ngàn học sinh nội trú và bán trú (chiếm 38%) tổng số học sinh sinh viên, ngành GD& ĐT không chỉ góp phần kéo giảm tỷ lệ SDD của trẻ em xuống mức dưới 18%, mà còn góp phần tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi, giải trí trong môi trường thân thiện, giảm thiểu trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: đến nay, ngành GD&ĐT đã “cán đích” một số mục tiêu cụ thể về giáo dục của năm 2020 mà kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra, nhất là mục tiêu huy động, phổ cập, chất lượng giáo dục và giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, để tạo sự bền vững, ngành GD&ĐT cần phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ học sinh có nước sạch sử dụng thường xuyên, tỷ lệ trường học có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn…
MINH HỒNG
Ý kiến ()