Phấn đấu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: Truyền thông gắn liền với phát hiện và điều trị
LSO- Cách đây 10 năm, Lạng Sơn là một trong những tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khá cao trong toàn quốc (trên 10%). Sau nhiều năm ngành y tế kiên trì vận động, tư vấn và tăng cường công tác xét nghiệm, điều trị, đến nay tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm sâu và đang ở mức 2,6%.
Truyền thông tạo sự đồng thuận
Hằng năm, công tác tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con không chỉ tập trung vào tháng 6 (tháng cao điểm) mà được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đưa vào chương trình truyền thông thường xuyên. Mặc dù kinh phí bị cắt giảm nhiều song trung tâm vẫn tập trung cung cấp tài liệu tới các địa chỉ cần thiết. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã cung cấp 760 cuốn tạp chí AIDS và cộng đồng cho 38 xã, phường trọng điểm và 11 trung tâm y tế các huyện, thành phố; biên soạn và cấp phát 30.000 tờ rơi, thu thanh ghi 12 đĩa CD có nội dung tuyên truyền về dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con để cung cấp cho cơ sở. Phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố tăng thời lượng đăng tin bài, phát sóng về chủ đề phòng chống HIV/AIDS nói chung và dự phong lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Công tác truyền thông trực tiếp được lồng ghép tại cơ sở với 2.500 lượt với 92.115 lượt người nghe, trong đó có trên 50% là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Đi khám thai lần đầu tại trạm y tế xã, chị Triệu Múi Pham, xã Châu Sơn (Đình Lập) được cán bộ y tế xã tư vấn về sự cần thiết phải làm xét nghiệm sớm để phát hiện và điều trị dự phòng HIV. Là người dân tộc Dao, sống trong thôn vùng xa, không nằm trong nhóm có “hành vi nguy cơ cao”, song khi nghe giải thích cặn kẽ, chị đồng ý cho cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm. Khi được trả kết quả, chị rất mừng là mình không có HIV và như vậy, đứa con của chị cũng được an toàn. Thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho thấy: trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có 5.528 phụ nữ mang thai được tư vấn và đã được xét nghiệm HIV, đạt 52,37% tổng số thai nghén có quản lý. Qua xét nghiệm, phát hiện 1 trường hợp dương tính với HIV.
Phụ nữ xã Châu Sơn (Đình Lập) nghe tư vấn về kế hoạch hóa gia đình và dự phòng lây nhiễm HIV
từ mẹ sang con
Điều trị dự phòng hiệu quả
Do công tác giám sát, điều trị dự phòng tốt, nên không những đa số phụ nữ có thai đều yên tâm và ủng hộ việc xét nghiệm phát hiện HIV, mà những phụ nữ đã bị nhiễm HIV cũng tin tưởng đến các trung tâm y tế để được tư vấn sinh con. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 5 phụ nữ nhiễm HIV mang thai; cả 5 người đều được điều trị bằng thuốc kháng virus – ARV trước khi có thai. Tất cả 5 trường hợp trẻ em là con phụ nữ nhiễm HIV đều được đẻ ra sống và được điều trị dự phòng. Sau khi điều trị dự phòng, 5 trẻ này được xét nghiệm dưới 18 tháng tuổi và đều âm tính với HIV. Trường hợp phụ nữ có thai được phát hiện mới nhiễm HIV trong thai kỳ đã được điều trị dự phòng ARV khi chuyển dạ và đã đẻ an toàn, sau 4 tuần nữa, trung tâm sẽ làm xét nghiệm xác định có nhiễm HIV hay không để có giải pháp điều trị.
Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho biết: với tỷ lệ 52,37% phụ nữ có thai chấp nhận làm xét nghiệm HIV, nhận thức của phụ nữ Lạng Sơn nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về HIV đã được nâng lên nhiều. Hiệu quả của việc nâng cao nhận thức là đã giảm tình trạng lây truyền từ mẹ sang con từ mức trên 10% cách đây 10 năm xuống còn 2,6% năm 2016. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV còn sống, được quản lý, trong đó có 31 trẻ được điều trị ARV (26 trẻ điều trị tại các phòng khám ngoại trú trong tỉnh và 5 trẻ được điều trị tại tuyến trung ương). Hiệu quả điều trị góp phần làm tăng nhận thức và nhận thức cao, chấp nhận xét nghiệm sớm sẽ làm cho công tác điều trị tốt hơn. Và như vậy, mục tiêu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh sẽ nhanh trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()