Phấn đấu giảm nghèo bằng khu vực
LSO-Sáng 8/5/2015, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chủ trì có Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và các thành viên.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn |
6 năm qua (từ năm 2009 – 2014) cả nước đã phân bổ nguồn lực và huy động hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và hỗ trợ của các doanh nghiệp cho các huyện nghèo theo Chương trình 30a trên 20.180 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; hỗ trợ xuất khẩu lao động; chính sách cán bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện; các chính sách khác như 135; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; trợ giúp pháp lý cho người nghèo…được các cấp, các ngành Trung ương và địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo xuống còn 32,59% (theo chuẩn nghèo mới), tỷ lệ giảm nghèo bình quân từ 5-7%. Cơ bản đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tỉnh Lạng Sơn luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28,34% (năm 2010) xuống còn 14,9% (cuối năm 2014). Tại 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, Bình Gia còn 43,66%, Đình Lập còn 34,79%.
Sau khi nghe các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện tốt chính sách giảm nghèo. Đồng thời yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững thời gian tới. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, đặc biệt là giao khoán bảo vệ rừng; cho vay tín dụng ưu đãi, mở rộng đối tượng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm của vùng khó khăn. Các bộ ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp tăng thêm nguồn lực mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả cho vấn đề giảm nghèo. Chú trọng tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, sơ kết việc thực hiện. Làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình, phê phán những nơi làm chưa hiệu quả nhất là do thiếu trách nhiệm… Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; có ít nhất 50% số huyện thoát nghèo.
THANH HÒA
Ý kiến ()