Phấn đấu đưa Ðại học Huế trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao
PGS, TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế trao bằng tiến sĩ cho các sinh viên. |
– Đại học Huế ngày nay, tiền thân là Viện Đại học Huế (ĐHH) được thành lập ngày 1-3-1957.
Suốt 55 năm qua (1957 – 2012), dù phải trải qua nhiều lần thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức và tên gọi, song điều đã được khẳng định đó là vị thế của ĐHH trong đời sống xã hội của đất nước, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa Huế. Người dân Huế tự hào về những ngôi trường đại học của mình, bởi chính truyền thống đại học là một nét văn hóa sâu đậm trong lịch sử thành phố; là cái nôi trí tuệ, tài năng, vườn ươm nhân tài lớn của đất nước.
Là một cơ sở giáo dục đại học sớm nhất khu vực miền trung, hơn nửa thế kỷ qua, ĐHH đã thực hiện sứ mệnh cao cả là đào tạo cho đất nước một đội ngũ trí thức đông đảo, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống và lợi thế của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHH đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, thuộc các lĩnh vực y học, nông – lâm – ngư, kinh tế, sư phạm, các ngành thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn và nghệ thuật, đáp ứng toàn diện sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh khu vực miền trung – Tây Nguyên. Bình quân các năm trở lại đây có gần 10 nghìn bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo và gần 1.200 thạc sĩ, 20 tiến sĩ tốt nghiệp ra trường.
Hiện nay, ĐHH tổ chức đào tạo 104 ngành trình độ cử nhân, 75 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 27 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 62 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú. Trong số các chuyên ngành đào tạo nói trên, có nhiều chương trình đào tạo liên kết với các đại học tiên tiến nước ngoài. Chủ trương của ĐHH là tập trung xây dựng các khoa, các ngành trọng điểm bên cạnh các ngành đào tạo liên kết với nước ngoài, tạo thành các đỉnh trong biểu đồ phát triển ngành, nghề đào tạo, từng bước nâng mặt bằng chung về chất lượng đào tạo của các ngành hiện có, phấn đấu đưa một số ngành trọng điểm đăng ký kiểm định với các tổ chức quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và từng bước tiếp cận trình độ đào tạo khu vực. Mặt khác, ĐHH chủ trương phát triển mạnh đào tạo sau đại học, xem quy mô và chất lượng đào tạo sau đại học là cơ sở để khẳng định vị thế của mình trong tương quan với các đại học trong nước cũng như quốc tế.
Hiện nay, ĐHH có 3.320 cán bộ, trong đó có 2.529 giảng viên (cả giảng viên hợp đồng và giảng viên bán cơ hữu) với 180 giáo sư, phó giáo sư (trong đó có 8 giáo sư, 19 giáo sư danh dự, 15 tiến sĩ danh dự và 136 phó giáo sư); 373 tiến sĩ, 986 thạc sĩ, 350 giảng viên cao cấp, giảng viên chính; 76 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Ưu tú. Ngoài ra, ĐHH có 188 giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ (trong đó 10 giảng viên là người nước ngoài). Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sĩ trở lên ở ĐHH đạt 67%.
Chính đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn cao là tiềm lực to lớn để ĐHH mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới. Với đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ đông đảo, với phương tiện và cơ sở vật chất hiện đại, ĐHH được coi là một trung tâm nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ và giao lưu khoa học lớn ở miền trung, là chỗ dựa vững chắc, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực và cả nước.
Với lợi thế của đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đã tạo dựng cho ĐHH một vị thế trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế; các trường thành viên đã thiết lập quan hệ với hơn 60 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học của hơn 30 quốc gia trên thế giới ở hầu hết các châu lục như: Mỹ, Pháp, Ca-na-đa, Đức, Ô-xtrây-li-a, Áo, Thái-lan, Nhật Bản, I-ta-li-a, Hà Lan, Trung Quốc, Bê-la-rút… Qua các chương trình, nội dung hợp tác, ĐHH đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ, thực hiện được nhiều chương trình đào tạo liên kết; triển khai thành công nhiều dự án hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và thế giới, tiếp nhận nhiều nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu của các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ. Hằng năm đã thu hút hàng trăm giảng viên và sinh viên tình nguyện nước ngoài đến học tập và giảng dạy tại ĐHH…
Từ những nỗ lực, cố gắng trong hợp tác quốc tế, năm 2010, ĐHH được vinh danh là đơn vị tiêu biểu ở Việt Nam có đóng góp to lớn, hiệu quả trong hoạt động kinh tế đối ngoại với giải thưởng “Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín”. Đây chính là sự công nhận rộng rãi của xã hội đối với sự nỗ lực, cố gắng của ĐHH trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo với nước ngoài ở các bậc học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; cung cấp cho nền kinh tế những cán bộ khoa học chất lượng cao. Hợp tác quốc tế thật sự đã tạo ra nguồn lực quan trọng, góp phần đắc lực trong việc thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học lớn, tạo ra cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên của ĐHH và các trường thành viên.
Với những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi và những thành tích xuất sắc đạt được trong 55 năm qua, ĐHH đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng nhất cho thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố Huế (1975), Huân chương Độc lập hạng ba cho ĐHH (1998), Huân chương Độc lập hạng nhì cho ĐHH (2002). Đặc biệt, trong ngày vui hôm nay, ĐHH vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và địa phương trao tặng.
Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn mở cửa hội nhập, ĐHH nhận thức sâu sắc những thuận lợi, đồng thời cũng thấy rõ những khó khăn và thử thách.
Trên cơ sở đó, ĐHH xác định mục tiêu phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 với mục tiêu chiến lược: “Xây dựng ĐHH thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội – nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng và khu vực”.
Ý kiến ()