Phấn đấu diện tích sản xuất vụ Đông 2016 đạt 430 nghìn ha
Sáng 8/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2015 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2016 các tỉnh phía Bắc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định, diện tích sản xuất vụ Đông trong 3 năm gần đây (2013-2015) dao động từ 409-422 nghìn ha, trong đó, diện tích vụ Đông 2015 đạt 409 nghìn ha. Sản lượng cây trồng vụ Đông 3 năm dao động trên dưới 4 triệu tấn. Riêng sản lượng cây trồng vụ Đông 2015 đạt 3.992 triệu tấn, giảm gần 200 nghìn tấn so với vụ Đông 2014.
Về cơ cấu vụ Đông 2013-2015, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khá cao, với khoảng 50-55% tổng diện tích cây vụ Đông. Vụ Đông 2015, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc) đạt 200 nghìn ha, chiếm 49,5% tổng diện tích cây vụ Đông.
Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) chiếm khoảng 45-50% tổng diện tích cây vụ Đông. Vụ Đông 2015, nhóm cây ưa lạnh và trung tính (khoai tây, rau, đậu,…) đạt 209 nghìn ha, chiếm 50,5% tổng diện tích cây vụ Đông. Về giá trị thu nhập bình quân, vụ Đông năm 2015 đạt khoảng trên dưới 50 triệu đồng/ha, tổng giá trị thu nhập của cây vụ Đông 2015 toàn miền ước đạt trên 22 nghìn tỷ đồng.
Theo nhận định của Cục Trồng trọt, vụ Đông 2016, ngành trồng trọt có nhiều thuận lợi. Hầu hết các địa phương đã xác định vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Đồng thời, hầu hết các địa phương đã chủ động xây dựng Đề án sản xuất vụ Đông gắn với vụ Hè Thu, vụ Mùa kèm theo những chính sách hỗ trợ được ban hành sớm từ đầu vụ và thậm chí cho cả giai đoạn.
Tuy nhiên, theo dự báo dài hạn của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ bắt đầu chu kỳ mới từ khoảng cuối năm. Vì vậy, vụ Đông 2016 sẽ chịu tác động của trạng thái thời tiết này. Theo đó, đầu vụ Đông 2016 có thể sẽ bị tác động và khó khăn cho khâu làm đất, xuống giống nhóm cây ưa ấm.
Vụ Đông năm 2016, mục tiêu của ngành phấn đấu đạt diện tích theo kế hoạch 430 nghìn ha, tăng 20 nghìn ha so với vụ Đông 2015. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 23.000 – 25.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt 55-60 triệu đồng/ha. Để đạt được kết quả này, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần rà soát điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch vùng gieo trồng cây vụ Đông ngay khi lúa Hè Thu, Mùa vừa trổ. Cân đối diện tích lúa, đất chuyên màu để bố trị nhóm cây vụ Đông ưa ấm, ưa lạnh cho phù hợp theo kế hoạch đề ra. Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn diện tích trà lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa sớm; thu lúa đến đâu trồng rau màu đến đó, đảm bảo gieo trồng vụ Đông trong khung thời vụ tốt nhất. Ưu tiên mở rộng tối đa diện tích ngô, đậu tương, đặc biệt trên đất 2 lúa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tổ chức cho nông dân mượn đất, thuê đất để sản xuất, hình thành những vùng sản xuất vụ Đông tập trung. Thông qua đó, tạo điều kiện đầu tư áp dụng máy móc, cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, rất cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia liên kết sản xuất chuỗi và tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân. Đồng thời, khuyến khích việc tích tụ ruộng đất để sản xuất với quy mô rộng, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm; tích cực nghiên cứu các thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho sản xuất, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu hỗ trợ chính sách tưới cho vụ Đông do chi phí tưới khá cao. Cùng với đó, nâng cao công tác dự báo thời tiết để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất cho bà con nông dân; Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách cho sản xuất vụ Đông – vụ sản xuất mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()