Phấn đấu để Lạng Sơn trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp
LSO– Đó là chỉ đạo của đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Lạng Sơn do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (30/11).
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị
Dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành của tỉnh và 150 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Về phía VCCI, có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và các chuyên gia kinh tế.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bố nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hội nghị lần này là dịp để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp cùng phân tích kết quả, hiểu đúng và đầy đủ về chỉ số PCI. Từ đó bàn các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ chỉ số này, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển chung.
Báo cáo tổng quát về công tác nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã đánh giá khái quát về những nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp; tổ chức gặp mặt định kỳ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến đầu tư…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 50,2 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 110 dự án với tổng vốn đăng ký trên 20,3 nghìn tỷ đồng.
Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2019 của VCCI, Lạng Sơn đạt 63,9 điểm (tăng 9,18 điểm so với năm 2015); xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2015), là tỉnh đứng đầu trong nhóm các tỉnh thành phố đạt điểm trung bình.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị
Hội nghị đã nghe các chuyên gia kinh tế của VCCI phân tích tổng quan và từng chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2019.
Các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh, đồng thời chỉ ra những hạn chế về quản lý, điều hành, thực thi công vụ trong quá trình tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị để Lạng Sơn tiếp tục nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới như: cải thiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính;tạo nguồn cung lao động có kỹ năng; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Đồng chí nhấn mạnh: Các cấp, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải tăng cường công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ cán bộ; trên cơ sở ý kiến tại hội nghị, UBND tỉnh giao các ngành liên quan rà soát, phân tích từng chỉ số thành phần để có giải pháp nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, chỉ số PCI của Lạng Sơn nằm trong nhóm khá của cả nước.
Đồng chí chỉ đạo: Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, phấn đấu để Lạng Sơn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, có môi trường đầu tư thuận lợi.
Ý kiến ()