Phấn đấu đạt tiến độ, đảm bảo chất lượng
Giáo viên Trường Mầm non Hữu Liên (Hữu Lũng) hướng dẫn học sinh 5 tuổi rửa tay đúng cách |
Điều đáng chú ý số xã, phường, thị trấn hoàn thành chuẩn phổ cập tăng nhanh qua từng năm. Nếu năm 2011, toàn tỉnh mới có 27/226 xã đạt chuẩn, thì năm 2012 có thêm 33 xã được công nhận mới; năm 2013 có thêm 58 xã được công nhận và năm 2014 có thêm 59 xã hoàn thành phổ cập. Bước vào năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 204 trường mầm non (MN) với 47.120 trẻ đến lớp; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đã đạt 34,3%, mẫu giáo đạt 98,8%, riêng mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,9%. Thống kê của ngành GD&ĐT cho biết, hầu hết các huyện, thành phố đều vượt kế hoạch đề ra về tiến độ phổ cập năm 2014 từ 1 đến 2 xã. Khó khăn như huyện Bình Gia đã có 13 xã đạt chuẩn, hoàn thành tiến độ đề ra. Các huyện như: Hữu Lũng vượt 2 xã, Bắc Sơn 2 xã, Đình Lập 1 xã, Văn Lãng 1 xã, Văn Quan 1 xã… Đặc biệt, đến cuối tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị là thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và Tràng Định đã hoàn thành chuẩn phổ cập. Vừa qua, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị này để hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Đảm bảo chất lượng phổ cập
Căn cứ các quy định về tiêu chuẩn phổ cập do Bộ GD&DT quy định, khó khăn nhất của Lạng Sơn là các tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Để tập trung giải quyết 2 vấn đề này, trong suốt 4 năm qua, ngành GD&ĐT đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh quyết định những vấn đề lớn để tháo gỡ khó khăn cho các huyện, thành phố. Theo đó, các huyện, thành phố tăng cường hợp đồng đội ngũ giáo viên, đảm bảo chế độ cho họ; tập trung các giáo viên có trình độ trung cấp trở xuống cho các lớp nhà trẻ và mẫu giáo 3-4 tuổi, để “rút” giáo viên có trình độ cao đẳng tập trung cho các lớp 5 tuổi. Chỉ trong 3 năm (2011-2013), riêng Trường CĐSP Lạng Sơn đã đào tạo và phối hợp đào tạo được 769 giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên, vượt 269 người theo chỉ tiêu Kế hoạch số 105 của UBND tỉnh giao. Đến tháng 4/2014, đội ngũ giáo viên dạy mẫu giáo của toàn tỉnh có 198 người có trình độ đại học, 959 người có trình độ cao đẳng. Riêng giáo viên dạy mẫu giáo 5 tuổi có 1.293 người, đạt 1,7 giáo viên/lớp; trong đó có 608 người có trình độ cao đẳng trở lên (tỷ lệ 47%).
Về cơ sở vật chất, đến hết tháng 4/2014, toàn tỉnh có 800 lớp mẫu giáo 5 tuổi và đã có 800 phòng học riêng cho khối này, đảm bảo mỗi lớp 1 phòng học. Tuy nhiên chỉ có 445 phòng học (55,6%) đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 36 của Bộ GD&ĐT và vẫn còn tới 355 phòng (54,4%) chưa đạt chuẩn. Mới chỉ có 432/800 lớp 5 tuổi (tỷ lệ 54%) có từ 100-124 danh mục đồ chơi tối thiểu theo quy định. Để nâng cao chất lượng phổ cập, bước vào năm học 2014-2015, một mặt các huyện, thành phố tập trung các nguồn lực từ dự án, viện trợ, ngân sách huyện, vốn huy động trong dân và các đơn vị, doanh nghiệp để xây phòng học mầm non, mặt khác, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho các huyện, thành phố xây dựng 123 phòng học giai đoạn 2014-2015, mỗi phòng được hỗ trợ 500 triệu đồng, số còn lại là vốn đối ứng của các huyện (năm 2014 xây dựng 30 phòng và năm 2015 xây dựng 93 phòng). Nhiều huyện như Văn Lãng, Lộc Bình, Hữu Lũng đã giao vốn đối ứng của huyện, một số huyện như Tràng Định, Cao Lộc đang triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Về danh mục đồ chơi tối thiểu, ngay từ đầu năm học mới, ngành đã tiến hành mua sắm và cung ứng hàng ngàn bộ đồ chơi cho các nhà trường.
Còn đó những khó khăn
Hầu hết các xã chưa đạt chuẩn là “vướng” CSVC như phòng học và trang thiết bị tối thiểu cho mẫu giáo 5 tuổi. Cô giáo Vi Thị Khiêm, Hiệu trưởng Trường MN xã Hữu Liên (Hữu Lũng) cho biết: tuy vẫn phải học nhờ song 4 lớp 5 tuổi với 84 học sinh của trường đã được học trong phòng bán kiên cố, đủ diện tích; chất lượng nuôi dạy đạt yêu cầu; tuy nhiên, để đạt chuẩn phổ cập vào tháng 4-2015, thì Phòng GD&ĐT phải trang bị thêm bộ đồ chơi ngoài trời. Đồng chí Lành Kim Huệ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: để có thêm 5 xã đạt chuẩn vào tháng 4/2015, huyện đang tập trung đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho các xã này. Đồng chí Hà Phương Dung, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cũng cho rằng: khó khăn lớn nhất trên con đường đạt chuẩn phổ cập của 7 xã còn lại của huyện Bình Gia là phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi quá tồi tàn, không đủ diện tích; thiết bị đồ dùng đồ chơi quá ít, thiếu đồng bộ; công tác bán trú gặp nhiều khó khăn.
Ý kiến ()