Phân cấp quản lý di tích: Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở
(LSO) – Từ tháng 12/2017, hệ thống di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp quản lý và bảo vệ. Sau hơn 1 năm phân cấp quản lý, trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với bảo tồn và phát huy giá trị di tích từng bước được nâng cao.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Đến với thành phố Lạng Sơn vào dịp đầu năm 2019, nhiều du khách đã không khỏi trầm trồ với hình ảnh những dòng chữ đèn Led nổi bật được gắn tại các di tích Chùa Tiên, cùng hệ thống chiếu sáng bắt mắt tại danh thắng Nhị – Tam Thanh. Đặc biệt, nhiều di tích tâm linh nổi tiếng trên địa bàn thành phố được xây dựng lại với diện mạo mới, khang trang, bề thế hơn mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, điển hình như: đền Kỳ Cùng, đền Cửa Bắc, đền Cửa Tây, đền cô bé Thượng Ngàn…
Nói về những kết quả đạt được, bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích, từ đầu năm 2018, phòng đã chủ động tham mưu thành lập Ban Quản lý di tích cấp thành phố và chỉ đạo thành lập ban quản lý di tích tại các phường, xã. Sau khi phân cấp, chúng tôi đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác khoanh vùng, quản lý, bảo vệ các di tích cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích.
Năm 2018, khu vực cổng di tích chùa Tam Thanh đã được tôn tạo, xây dựng lại
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, thành phố đã đầu tư được gần 40 tỷ đồng phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Diện mạo di tích thay đổi giúp thành phố thu hút đông khách du lịch hơn. Năm 2018, thành phố đã đón 1,8 triệu lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Không chỉ thành phố Lạng Sơn mà 10 huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện việc phân cấp quản lý và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tiêu biểu như các huyện: Cao Lộc, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Lãng, Đình Lập… Đến nay, 126/126 di tích được xếp hạng (gồm có: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 98 di tích cấp tỉnh) đã được phân cấp về chính quyền địa phương trực tiếp quản lý.
Bà Nguyễn Thị Nhung, thành viên Ban quản lý di tích chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Từ đầu năm 2018, UBND xã Gia Cát đã thành lập Ban quản lý di tích chùa Bắc Nga với 8 thành viên, trong đó có 5 thành viên thuộc UBND xã. Ban quản lý đã xây dựng quy chế hoạt động riêng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Thời gian trước, khi chưa thành lập Ban quản lý di tích chùa Bắc Nga, công tác bảo quản, tôn tạo di tích chưa được thực hiện đồng bộ, việc ghi chép nguồn thu, chi và số tiền công đức của di tích được làm rất sơ sài. Tuy nhiên, từ sau khi UBND xã được giao trực tiếp quản lý di tích, công tác quản lý di tích được thực hiện đồng bộ, đầy đủ và chặt chẽ hơn rất nhiều. Nhờ đó, năm 2018, UBND xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa được gần 3 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo lại di tích.
Chuyển biến tích cực
Những năm trước đây, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh dần bị xuống cấp, nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi số lượng di tích lớn nên việc trùng tu, tôn tạo còn gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, nhiều di tích gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác vốn di tích hiện có để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Trước thực trạng đó, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UBND về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 335 di tích thuộc 4 cấp độ gồm: di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và di tích đã kiểm kê được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) là đơn vị kiểm tra, giám sát và tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về di tích. Còn UBND cấp huyện, cấp xã trực tiếp quản lý, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Sau khi phân cấp quản lý, UBND các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân đã xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên và con người, đảm bảo giữ gìn các yếu tố gốc và giá trị của di tích. Nhờ đó, các di tích được bảo vệ chặt chẽ hơn. Tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất di tích cơ bản được ngăn chặn kịp thời. Công tác trùng tu, tôn tạo, cắm mốc di tích được các địa phương quan tâm hơn.
Kết quả, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được thực hiện rất tích cực với số tiền tăng từ 3 tỷ đồng cho việc tu bổ, xây dựng 13 di tích năm 2017 lên hơn 22 tỷ đồng năm 2018 cho việc tôn tạo, xây dựng 10 di tích. Nhờ đó, từ đầu năm 2019 đến đầu tháng 5/2019, lượng khách du lịch đến tỉnh ta đã đạt trên 1,2 triệu lượt (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018), doanh thu đạt 696 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ hoặc cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ quản lý di tích lịch sử – văn hóa còn hạn chế về năng lực và trình độ, nhất là cán bộ văn hóa xã hội các xã, phường nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong tình hình mới.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong việc quản lý di tích, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin cho các cán bộ cơ sở. Đồng thời, tăng cường giám sát quản lý di tích sau khi đã phân cấp; nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở cũng như nhận thức của nhân dân về Luật Di sản văn hóa.
Ý kiến ()