Phân bổ lại nguồn lực dựa trên lợi thế so sánh từng ngành, vùng, địa phương
Khi bắt đầu công cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã xác định: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là sắp xếp, bố trí lại cơ cấu và bước đi của nền kinh tế phù hợp với phương hướng mục tiêu của những năm trước mắt, phù hợp với khả năng thực tế của nước ta và sự phân công hợp tác quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc với nhịp độ nhanh…”.
Sau 30 năm nhìn lại, những định hướng phát triển đó đã ngày càng thể hiện tính khoa học, tính thực tiễn và cả khả năng định hướng triển khai. Kế thừa bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ của quá trình định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là “… Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư xuất khẩu và thị trường trong nước… phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN tư nhân, DN FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp…”.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức để trao đổi, thảo luận về vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều nhà khoa học đã luận giải, đổi mới mô hình tăng trưởng là xây dựng một mô hình tăng trưởng sử dụng nguồn vốn tốt hơn dựa trên sự thay đổi quan trọng sau 30 năm đổi mới và bối cảnh quốc tế mới. Người viết bài này cho rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế về thực chất là phân bổ lại nguồn lực dựa trên lợi thế so sánh từng ngành, từng vùng, từng địa phương để tạo ra những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu mang thương hiệu Việt Nam và có tính cạnh tranh cao.
Vì vậy, để bảo đảm triển khai tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong diễn đàn Đại hội lần này, nên chăng sẽ phải thảo luận sâu hơn về một số vấn đề sau:
Một là, phải đổi mới tư duy nhận thức về mô hình tăng trưởng, đồng bộ giữa nhận thức về chính trị và mô hình tăng trưởng. Trước hết, cần đổi mới nhận thức về nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng ở địa phương (tỉnh, huyện). Bởi vì sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta có một vị thế mới trong khu vực và quốc tế. Các lợi thế so sánh được tạo ra nhờ công cuộc đổi mới đến nay đã không còn sức hút và không còn phù hợp với sự biến đổi của nội tại nền kinh tế và bối cảnh quốc tế. Với nhận thức như vậy, cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng: có thể Trung ương sẽ không giao chỉ tiêu cho từng địa phương phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bao nhiêu phần trăm mà giao yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với thực tế của từng địa phương, nằm trong một vùng kinh tế nhất định. Việc phân chia địa giới hành chính thành 63 tỉnh, thành phố như hiện nay không còn phù hợp với không gian kinh tế mở đã được hình thành sau 30 năm đổi mới và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới.
Hai là, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến 2030 phải dựa trên tác động lan tỏa của các vùng động lực kinh tế: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong năm năm vừa qua, việc tái cơ cấu nền kinh tế thiếu đi sự gắn kết giữa kinh tế ngành với kinh tế vùng, giữa các ngành kinh tế với nhau hay giữa các vùng kinh tế với nhau. Chính vì vậy, việc đầu tư cũng tràn lan, kém hiệu quả là một nguyên nhân chính góp phần làm cho tình hình “sức khỏe” của các DN, của các thành phần kinh tế ngày càng xấu đi. Việc nợ đọng xây dựng cơ bản đã đẩy các DN trúng thầu công trình giao thông trở thành con nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại. Và như thế, giữa nợ xấu và “sức khỏe” của các tổ chức tín dụng có mối liên hệ khăng khít đối với việc đầu tư không quan tâm tới các yếu tố lợi thế đã được hình thành sau 30 năm đổi mới. Hiện nay, với “sức khỏe” của nền kinh tế và DN, chúng ta khó có thể có những sản phẩm công nghệ mang tính đột phá được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam vì vừa thiếu vốn lại vừa không tự chủ được công nghệ. Nhưng hiện nay chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng nên đây là một lợi thế quan trọng trong quá trình hoạch định phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030. Dù vậy, lợi thế này cũng tạo áp lực rất lớn đối với việc bảo đảm việc làm cho một số lượng lớn người lao động trẻ. Như vậy, chúng ta không thể duy ý chí trong việc xây dựng những ngành công nghiệp tiên tiến đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ công nghệ cao và một đội ngũ lao động với tay nghề có trình độ cao. Trong vòng 15 đến 20 năm tới, phải tập trung đầu tư xây dựng công nghệ dệt may đáp ứng được yêu cầu rất cao của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược (TPP) để tham gia được vào tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp dệt may. Với việc định hướng phát triển công nghiệp dệt may như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề.
Ba là, để thực hiện được việc đầu tư phát triển những ngành trọng điểm với tốc độ cao, phải thực hiện phân bổ nguồn lực quốc gia theo đúng tinh thần của cương lĩnh năm 2011 là nguồn lực quốc gia được phân bổ cho mọi thành phần kinh tế, không phân biệt là DNNN hay DN tư nhân. Nhà nước sử dụng đầu tư công để lôi cuốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào phát triển kinh tế là rất quan trọng. Nhà nước sử dụng kinh tế nhà nước để thực hiện vai trò chủ đạo đi trước mở đường, là “bà đỡ” cho các DN trong các ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Nhà nước ở đây với vai trò là chủ sở hữu của DNNN cần nghiên cứu việc thành lập mới một vài DN với công nghệ tiên tiến từ nguồn thu được trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Từ bài học kinh nghiệm của Samsung cho thấy, trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm điện thoại thông minh ở Việt Nam, thiếu vắng những DN chủ lực mang thương hiệu Việt có thể ghép vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung.
Bốn là, áp dụng mô hình tam giác phát triển trong việc đánh giá và hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội: kinh tế, môi trường sống, an sinh xã hội. Khi xem xét mô hình phát triển nông nghiệp của nước ta hiện nay, cần cân nhắc việc trồng lúa ba vụ cho chất lượng hạt gạo không bảo đảm xuất khẩu vì chỉ chú trọng vào năng suất mà quên phần chất lượng. Hay như ở đồng bằng sông Cửu Long có chấp nhận việc đầu tư 95 nghìn km đê bao hay là để đạt cân bằng tự nhiên giữa mùa nước nổi với lợi thế về cân bằng sinh thái tự nhiên hoặc can thiệp để thay đổi dòng chảy của sông ngòi. Cần hạn chế việc áp dụng quá nhiều chính sách “dân túy” mà quên đi khả năng đáp ứng của nền tài chính quốc gia.
Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng như đã nêu trên, phải tập trung thảo luận để xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại với một bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân, trong đó mỗi cán bộ công chức là một công bộc trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã dạy. Phải phân định rõ vai trò của nền kinh tế thị trường là tạo lợi nhuận cho xã hội, cho nhà đầu tư, còn vai trò của Nhà nước là điều tiết lợi nhuận đó bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên cùng tham gia thị trường, giữ vững động lực phát triển kinh tế, đó chính là bản chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hạn chế tối đa dùng không gian hành chính để định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Không gian kinh tế phải là chủ đạo, không vì không gian hành chính mà hạn chế không gian kinh tế.
Thiết nghĩ, đây là những vấn đề thiết yếu cần được nghiêm túc xem xét thảo luận tại diễn đàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()