Phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về khu vực không được phép chăn nuôi
– Sáng nay (12/10), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Đồng chí Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì và nêu ý kiến phản biện tại hội thảo
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại diện HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh, các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh.
Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” gồm 6 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nhiều nội dung liên quan. Theo dự thảo, khu vực không được phép chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và các động vật khác trên địa bàn bao gồm: một số tổ thuộc khối, khu của 5 phường thuộc thành phố Lạng Sơn và 11 thị trấn của 9 huyện.
Về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi để xây dựng cơ sở mới tại khu vực được phép chăn nuôi và tiếp tục thực hiện hoạt động chăn nuôi, dự thảo quy định: đối với chuồng trại xây gạch, nền xi măng hoặc lát gạch các loại, mái lợp ngói, tôn thì mức hỗ trợ là 300 nghìn đồng/m², tổng kinh phí hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Đối với chuồng trại xây gạch, nền xi măng, mái lợp fibro xi măng, giấy dầu, tranh lá hoặc xây bằng vật liệu khác thì mức hỗ trợ là 200 nghìn đồng/m², tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/cơ sở. Cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực quy định không được phép chăn nuôi khi ngừng hoạt động sản xuất chăn nuôi, được hỗ trợ chính sách đào tạo nghề, nội dung và mức hỗ trợ theo quy định hiện hành…
Đại biểu nêu ý kiến phản biện tại hội thảo
Hội thảo đã nhận được 10 ý kiến phản biện, trong đó có 9 ý kiến phát biểu trực tiếp và 1 ý kiến gửi đến bằng văn bản. Các ý kiến đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết, đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mỹ quan đô thị; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Mặt khác, các đại biểu cũng góp ý về các nội dung nêu trong dự thảo và bổ sung nhiều nội dung thiết thực, trong đó tập trung vào tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi và tác động về kinh tế, xã hội của dự thảo nghị quyết. Có ý kiến cho rằng cần rà soát đối tượng để tổ chức hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, không nên cào bằng; cần làm rõ việc phân khu được phép và không được phép chăn nuôi để tạo sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc chăn nuôi ở các khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, thu hút du khách…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình, làm rõ các nội dung và tiếp thu ý kiến của đại biểu tại buổi hội thảo
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết đã giải trình làm rõ các nội dung và tiếp thu các ý kiến của đại biểu.
Sau hội thảo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi cơ quan chức năng tiếp thu nhằm hoàn chỉnh dự thảo để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trong thời gian tới.
Ý kiến ()