Phản biện dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội thảo
– Chiều 12/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh gồm 3 điều; dự thảo Quy chế kèm theo gồm 4 chương, 17 điều, với các nội dung chính: những quy định chung; đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; thẩm quyền, quy trình, hồ sơ đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; tổ chức thực hiện. Trong đó, việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng được phân theo nhóm, căn cứ vào vai trò, quy mô, vị trí. Qua đây nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.
Lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu còn góp ý về tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi, tính hài hòa; tác động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quy chế và những nội dung khác có liên quan tới tình hình thực tiễn…
Các đại biểu cũng nêu quan điểm về việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên đặt tên theo những địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử của tỉnh Lạng Sơn; hạn chế hoặc không nên đặt, đổi tên đối với những đường, phố, công trình công cộng đã gắn liền với truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương.
Sau hội thảo, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện bằng văn bản để gửi cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo.
Ý kiến ()