Phản biện dự thảo quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất
- Sáng 19/9, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Ban hành Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và phòng chuyên môn liên quan; hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh và các chuyên gia liên quan; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh và hội nông dân các huyện: Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Lãng, Chi Lăng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
Tháng 8/2024, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thực thi, thay thế Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, quy định về bồi thường đối với cây trồng vật nuôi tại điều 103, Luật Đất đai năm 2024 đã có sự bổ sung, điều chỉnh so với Luật Đất đai năm 2013, do đó, Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 5/01/2024 của UBND tỉnh quy định đơn giá cây trồng, vật nuôi áp dụng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với luật và điều kiện thực tế tại địa phương để đảm bảo hài hòa lợi ích trong việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Ban hành Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh bao gồm 9 điều với các nội dung chính gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc bồi thường; quy định về mật độ cây trồng, vật nuôi; quy định phương pháp xác định đường kính gốc để tính bồi thường, hỗ trợ; đơn giá cây trồng; đơn giá vật nuôi; mức hỗ trợ di dời đối với vật nuôi; xử lý một số trường hợp đặc biệt; điều khoản thi hành.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí đối với dự thảo Quyết định. Đồng thời, nhận được nhiều ý kiến phản biện trực tiếp xoay quanh một số nội dung như: sự cần thiết của việc xây dựng quyết định; tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi của quyết định; tính hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức; sự tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, các đại biểu đề nghị: cần bổ sung cây trồng hiện hữu mới (cây giang, cây sấu), cây đặc hữu của tỉnh (hồi, hồng vành khuyên, na...) về đơn giá, xác định cụ thể loại đền bù cho cây lâu năm, xây dựng quy trình trồng trọt các loại cây đặc hữu; sau khi Quyết định được ban hành đề nghị các cấp chính quyền tổ chức phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện quyết định, xử lý nghiêm những việc làm trái, dẫn đến sai phạm trong việc thực hiện quyết định…
Tiếp đó, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Sở NN&PTNT) dự thảo quyết định đã giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung hoàn thiện quyết định trong thời gian tới.
Sau hội nghị, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện bằng văn bản để gửi cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu.
Ý kiến ()