Phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Đề án của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và lâm nghiệp
LSO-Sáng nay (19/11), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và đề án của UBND tỉnh liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và lâm nghiệp trên địa bàn.
Đại biểu nêu ý kiến phản biện tại hội thảo
Dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2025 của HĐND tỉnh gồm các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nguyên tắc áp dụng; điều kiện được hưởng chính sách; hỗ trợ lãi suất tín dụng…; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2030 của UBND tỉnh phân tích, đánh giá thực trạng ngành lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2010 – 2019; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2030, nhu cầu nguồn lực đầu tư…
Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết, phù hợp, tính pháp lý của các dự thảo với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời góp ý vào tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi và tác động của nghị quyết, đề án đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương.
Đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể việc giải quyết thủ tục vay vốn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo vùng, kết hợp xây dựng nhà máy chế biến, tạo đầu ra ổn định. Đối tượng áp dụng nêu tại dự thảo nghị quyết lần này được mở rộng hơn so với nghị quyết đã ban hành trước đây, do vậy, cần tính toán nguồn lực hỗ trợ sao cho khả thi, đem lại hiệu quả cao…
Đối với dự thảo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững của UBND tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, đề án cần xem xét khả năng nguồn lực để thực hiện trong vòng 10 năm tới; quan tâm việc lựa chọn giống cây để phát triển trồng rừng, việc giải quyết chế độ hỗ trợ phát triển lâm nghiệp tại cơ sở; cần bổ sung nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ rừng, công tác phòng chống thiên tại, phòng cháy chữa cháy rừng…
Sau ý kiến của các đại biểu, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, làm rõ một số vấn đề, đồng thời tiếp thu các ý kiến để bổ sung vào dự thảo, trình cấp có thẩm quyền hoàn chỉnh trước khi ban hành.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()