Phản biện dự thảo đề án của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội thảo
– Sáng 13/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội dự thảo Đề án của UBND tỉnh về “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, quan điểm phát triển là công nghiệp phải gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển dịch vụ và nông nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương; giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động.
Về mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và không gian; phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, với các ngành chủ đạo: công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp điện tử viễn thông; năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất điện gió, phấn đấu trở thành trung tâm điện gió của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Đại diện Hội đồng tư vấn về Kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh nêu ý kiến phản biện tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ việc xây dựng và triển khai đề án là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng chung về phát triển công nghiệp của tỉnh. Cùng đó, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề: tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi của đề án; tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đề án; tính hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và một số nội dung khác có liên quan tới tình hình thực tiễn.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng đề án cần nêu nguồn lực cụ thể cho từng giai đoạn của đề án để đảm bảo tính khả thi, chú trọng về cơ chế chính sách thu hút đầu tư; đánh giá sâu sắc hơn về phát triển tiểu thủ công nghiệp; phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, phát triển thương mại, dịch vụ. Các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung một số danh mục thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nhất là thủ công truyền thống, một số giải pháp, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện vào đề án…
Sau khi nghe các đại biểu nêu ý kiến, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đề án đã giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm; đồng thời tiếp thu các ý kiến để bổ sung hoàn thiện đề án trong thời gian tới.
Ý kiến ()