Phản biện dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn
LSO-Sáng nay (13/10), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2030.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.
Các đại biểu nghe ý kiến phản biện tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu nghe đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2030.
Dự thảo gồm nhiều phần, nhiều nội dung, đề mục và các phụ lục liên quan như: thực trạng, căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng đề án, mục tiêu và phương pháp thực hiện.
Theo đó, múa sư tử là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn là 1 trong 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố năm 2017. Tuy nhiên, trước tác động nhiều mặt của xã hội hiện đại, múa sư tử có nguy cơ mai một, việc bảo tồn di sản này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với đời sống văn hóa, phong tục, tập quán mà còn đối với vấn đề kinh tế – xã hội, du lịch.
Hội thảo đã nhận được 7 ý kiến phát biểu tâm huyết của nhiều đại biểu. Trong đó, các đại biểu đề nghị chỉnh sửa nêu rõ tính cần thiết, cấp thiết của việc duy trì, bảo tồn và phát huy loại hình di sản này; tính đúng đắn, khoa học của đề án; góp ý về phương hướng, giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi, khoa học và tác động của đề án với tình hình thực tiễn, nhất là nêu bật đây là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của các lễ hội xuân hằng năm ở Lạng Sơn, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn…
Đại diện cơ quan tham mưu, soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chỉ đạo thực hiện đề án trong thời gian tới.
Ý kiến ()